Khúc đồng dao của gỗ

Tinh tế, chắt lọc từng chi tiết, mảnh ghép lịch sử văn hóa để tái hiện trên từng tác phẩm điêu khắc gỗ như một câu chuyện về lịch sử, chứa đựng những tầng bậc, chiều sâu văn hóa, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu (52 tuổi, trú xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã hiện thực hóa giấc mơ "hát khúc đồng dao" bằng gỗ trong không gian nghệ thuật Âu Lạc. Hiểu tường tận lịch sử dân tộc và vùng đất quê hương để tự hào, trân trọng là cách sống và làm nghề của ông trong 30 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu bên bức phù điêu "Sông Thu núi Ngọc".
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu bên bức phù điêu "Sông Thu núi Ngọc".

Những câu chuyện lịch sử, văn hóa của dân tộc được thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc gỗ truyền thống như trong không gian Âu Lạc là hướng đi độc đáo và ấn tượng mà ông Trần Thu và các học trò theo đuổi.

"Định hình du lịch văn hóa"

Đến với không gian nghệ thuật gỗ Âu Lạc của Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu, khách tham quan như được dự phần vào chuyến hành trình lịch sử. Xuất phát từ văn hóa địa phương vùng đất Gò Nổi, rồi hòa mình vào tiến trình lịch sử địa linh, nơi vùng đất có dòng Thu Bồn trong xanh và núi Ngọc Linh hùng vĩ, hiểu hơn cuộc giao thoa văn hóa Chăm-Việt và xa hơn là lịch sử 4.000 năm dựng nước để cuối cùng hướng về cội nguồn của dân tộc.

Tất cả được Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu hóa hình bằng các tác phẩm và bộ tác phẩm điêu khắc gỗ. Ông Thu chính là tác giả của tiểu thuyết "Sông Thu núi Ngọc". Cũng từ cuốn tiểu thuyết này, một bức phù điêu gỗ đã được ông tạo tác, tái hiện rõ nét toàn bộ thông tin có trong tiểu thuyết. Thoạt nhìn, với cách sắp xếp bố cục hình ảnh của phù điêu, người xem sẽ hình dung theo góc nhìn về một tác phẩm điêu khắc. Tuy nhiên, chuyến hành trình ngược dòng lịch sử thật sự bắt đầu khi tác giả cất lời thuyết minh.

Tinh hoa trong nghề điêu khắc gỗ đã làm cho câu chuyện tình của thủy thần Thu Bồn và sơn thần Ngọc Linh trở nên sâu sắc. "Từng sản vật, công trình kiến trúc, chữ viết, ngành nghề và con người... xuất hiện trong bức phù điêu đã làm cho nhiều người Quảng Nam và trong cả nước có cái nhìn cụ thể hơn, chính xác hơn về nền văn hóa của chính chúng ta", Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu bày tỏ.

Tay nghề điêu khắc gỗ điêu luyện của ông Thu cùng các học trò xuất sắc của ông là Nguyễn Thế Quốc và Huỳnh Đình Trường đã tái hiện lại từng chi tiết, từ vùng núi Ngọc Linh quanh năm mây trắng cho đến vùng biển Cửa Đại, biển đảo Cù Lao Chàm trong xanh.

Hành trình tìm hiểu vùng đất Quảng Nam thông qua bức phù điêu "Sông Thu núi Ngọc" đã phần nào đào sâu vào lớp trầm tích văn hóa của địa phương. Bố cục tổng thể của bức phù điêu duy nhất này là dựa trên sự phân chia vị trí địa lý các điểm dừng chân, từng khu vực văn hóa lịch sử xuôi theo dòng sông Thu Bồn. Các hướng đông, tây, nam, bắc cân xứng tuyệt đối. Tất cả là góc nhìn khoa học được ông Thu nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Trong tác phẩm phù điêu, núi Ngọc Linh với cây sâm cùng tên như một Đại linh dược, là biểu tượng cho thượng nguồn dòng sông mẹ Thu Bồn. Hồ đập Sông Tranh mang hình tượng một con chim yến gom tụ các mạch nước từ núi đổ về. Những ngôi làng cổ hai bên dòng sông Thu như làng Lộc Yên (huyện Tiên Phước), làng Đại Bình (huyện Nông Sơn) được Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu khéo léo tạo hình. Điều thuận lợi ở chất liệu gỗ là khi điêu khắc, bề mặt chi tiết có sự chuẩn mực, tinh tế nhất định.

Theo dòng sông Thu Bồn, về đến Gò Nổi, nơi không gian nghệ thuật gỗ Âu Lạc đứng chân và cũng là nơi được mệnh danh là vùng đất học. Từ đây, dòng sông chia ra thành hai nhánh. Hiện nay, một nhánh sông đã tắt dần, tiếp đến là khu vực cầu Câu Lâu, nơi gắn liền với Dinh trấn Thanh Chiêm cổ. "Phía nam của sông Thu Bồn là khu vực Tam Kỳ. Ở đây, cụm chi tiết phía tây là cây cau, phía đông là cây dừa, nét đặc trưng cau-dừa lâu đời của người Chăm góp phần làm rõ hơn giá trị của vùng đất", ông Thu cho biết.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu trên dòng sông Thu Bồn từng tọa lạc hai đô thị cổ là Trà Kiệu (Simhapura) và Đồng Dương (Indrapura). Cùng với đó, nhiều làng nghề truyền thống hình thành dọc hai bờ sông để lại dấu son trong lịch sử làng nghề Việt Nam trải dài nhiều thế kỷ.

Hai yếu tố xưa và nay của ngành nghề trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng có tính tương hợp lạ lùng, là minh chứng cho linh khí xứ này.

"Sông Thu Bồn không chỉ là một nền văn hóa, một nền văn minh mà còn là một trong những dòng sông độc đáo của miền trung và đất nước. Với bức phù điêu này, tôi hướng đến việc giúp cho du khách hiểu hơn về mảnh đất tỉnh nhà", ông Trần Thu cho biết thêm.

Kể câu chuyện lịch sử dân tộc

Không gian nghệ thuật gỗ Âu Lạc hiện trưng bày chín tác phẩm của bộ linh phẩm "Hồn thiêng sông núi" của Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu. Chiêm ngưỡng từng tác phẩm mới thấy điêu khắc gỗ đã được nâng tầm nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa và trí tuệ của nghệ nhân. Chúng được khái quát hóa và chuyên chở trong đó cả câu chuyện lịch sử 4.000 năm của dân tộc, đồng thời thể hiện được tính biểu trưng cao nhất.

Bộ linh phẩm này theo cách hiểu của nghệ nhân là sử dụng năm đạo vận hành của một quốc gia: Lập quốc, dưỡng quốc, cứu quốc, trị quốc và hợp quốc mà theo ông là trở về với tình yêu "đồng bào" của huyền thoại Tiên-Rồng. Bộ linh phẩm đã được trưng bày ở Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu phân tích: Các tác phẩm Đồng bào, Việt nữ, Đại bình kiến Quốc thể hiện đạo lập quốc của dân tộc ta. "Linh phẩm Đồng bào được lấy ý tưởng từ triết lý "trời tròn-đất vuông". Tại chính giữa là lỗ thông thiên. Duy nhất tại lỗ thông thiên, con cháu dòng giống Lạc Hồng thành tâm cung kính ngắm nhìn giang sơn nước Việt khi hai tay chạm đất, mắt thấu trời xanh. Việt nữ đại diện cho người phụ nữ Việt Nam đương đại với tà áo dài truyền thống trong hình tượng mẹ Âu Cơ. Trên tay Việt nữ là Quốc hoa dân tộc. Đôi chân trần hàm ý sự dấn thân, nhưng vô nhiễm, thuần khiết. Đại bình kiến Quốc là chiếc bình lớn nhất ra mắt trước quốc dân đồng bào được hiểu theo ý nghĩa kiến thiết đất nước bằng nguồn bình an dân tộc. Vòng quanh thân bình là 54 hoa văn Chim Lạc chở họa tiết khác nhau biểu trưng cho 54 dân tộc anh em". Tiếp theo là các tác phẩm: Tre Việt, Thiên thư, Hoàn Kiếm phản ánh quá trình diễn tiến của lịch sử qua đạo dưỡng quốc, cứu quốc và trị quốc. Cụm ba tác phẩm còn lại bao gồm: Thanh âm ngày hội, Hồ Chí Minh và Độc bình.

Chia sẻ về các tác phẩm mà mình và các học trò đã tâm huyết sáng tạo, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu cho biết: "Không gian nghệ thuật gỗ Âu Lạc vận hành dựa trên yếu tố cơ bản nhất là nghề nghiệp liên quan đến vùng đất. Chúng tôi kể câu chuyện văn hóa thông qua tác phẩm gỗ để phục vụ du lịch. Việc hiểu và nâng cao nhận thức là bước đầu để mỗi người thể hiện tình yêu quê hương của mình. Từ đó, chúng tôi có những định hướng, cách phát triển trong tương lai dựa trên sở trường của mình. Cái đẹp không đơn thuần là chất liệu, hình khối, đường nét tinh tế của một phù điêu hay pho tượng. Cái đẹp hàm chứa cả quy trình như xâu tràng hạt xuyên tâm bởi một sợi chỉ đỏ".

Dẫn dắt theo những khám phá để hiểu về ý nghĩa của các tác phẩm điêu khắc gỗ và hình dung về lịch sử, con đường phát triển nghệ thuật gỗ Âu Lạc đang đi cũng giống như cách ta "lần tràng hạt". Theo vòng thời gian, hạt đầu tiên sẽ là nguyên liệu, hạt kế tiếp chính là những ý tưởng thiết kế. Giá trị truyền thống, tay nghề, tâm tính, khát vọng, tình yêu, sự tỉ mỉ... của nghệ nhân điêu khắc gỗ đan xen bởi bao nhiêu hạt mà ta thật khó kể hết. Cuối cùng, hình hài một tác phẩm được "vẽ" nên bởi từng đường ve, nhát đục.