Khuất mắt trông coi

Vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh giết mổ, thế nhưng nhiều lò mổ tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) lại được các cán bộ thú y "tin tưởng" giao dấu kiểm dịch để tự đóng vào gia súc, gia cầm trước khi vận chuyển đi tiêu thụ. Khi vụ việc được phát hiện, lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn toàn bất ngờ. Từ vụ việc này, có thể cho rằng, rất có khả năng số liệu mà ngành thú y TP Vũng Tàu báo cáo từ trước đến nay đều là những số liệu... giả.

Ðiều đáng chú ý là người tiêu dùng tại địa phương lại không quá ngạc nhiên. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chị em nội trợ tại khu vực chợ mới TP Vũng Tàu lắc đầu ngán ngẩm: "Khuất mắt trông coi thôi, vì lâu lắm rồi chúng tôi không còn tin vào những con dấu mầu tím ấy". Bác Nguyễn Thị Hà, ở phường 10, TP Vũng Tàu, cho biết: "Ðọc báo, thấy nói nhiều về lợn bơm nước, nuôi tăng trọng, nhưng đọc để biết vậy thôi chứ đố ai phân biệt được".

Chừng mươi năm trước, ít ai ngờ câu chuyện về miếng thịt, mớ rau lại có thể "khuấy động" cả diễn đàn Quốc hội. Nay, người dân mới vỡ ra rằng, để quản lý miếng thịt, mớ rau từ ngoài đồng ra chợ hay vào siêu thị, chúng ta lại có nhiều cơ quan đến vậy. Từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đến Bộ Công thương, trách nhiệm đều rất nặng nề, nhưng xem ra lòng tin của người dân vào công tác quản lý này lại ngày càng giảm sút. Bởi trên thực tế, khi những giải pháp của các cơ quan chức năng chưa thật sự đi vào cuộc sống thì hằng ngày, hằng giờ, những xe chở thịt thối, thịt ươn, chở nội tạng không rõ nguồn gốc vẫn ngược xuôi trên các cung đường hay âm thầm đưa từ bên ngoài vào nội địa. Chưa kể rau củ nhiễm thuốc trừ sâu, hoa quả chứa chất bảo quản độc hại. Ðã có không ít quốc gia khuyến cáo chúng ta về tình trạng cá, tôm chứa kháng sinh hay gia súc, gia cầm tồn dư chất tăng trọng. Mới đây, người tiêu dùng lại một phen bàng hoàng trước thông tin cần cảnh giác với hạt gạo chứa chất tẩy trắng, tạo mùi, được bày bán nhiều trên thị trường. Ðến mức nhiều người tiêu dùng đã dặn nhau mua gạo trực tiếp của nông dân sau đó tự mang về xay xát.

"Khuất mắt trông coi", "Ăn thì từ từ mới chết, không ăn thì chết ngay" là điều mà các bà, các chị nội trợ vẫn nói như một cách chấp nhận thực tế đáng lo về an toàn thực phẩm.

Vậy, người tiêu dùng phải làm gì để tự bảo vệ mình và người thân trước thực trạng này? Câu trả lời, nhiều năm nay, vẫn là khẩu hiệu quen thuộc: Hãy là người tiêu dùng thông thái. Nhưng làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái thì thật khó có câu trả lời. Bởi, ngoài chuyện con dấu kiểm dịch được cán bộ thú y "tin tưởng" giao cho các chủ lò mổ, còn nhiều thứ xuất hiện hằng ngày trên bàn ăn gia đình đã và đang không được kiểm dịch. Như vậy, sẽ không ai trong chúng ta dám tự tin nhận mình là người tiêu dùng thông thái cả.