Quản lý rừng bền vững

Khu dự trữ thiên nhiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trải rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn với diện tích rộng gần 20 nghìn ha ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Những năm qua, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Thả động vật hoang dã vào rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của Khu dự trữ thiên nhiên.
Thả động vật hoang dã vào rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của Khu dự trữ thiên nhiên.

Với tổng diện tích gần 20.000 ha, nằm trên các dãy núi đá vôi ở phía bắc huyện vùng cao Võ Nhai, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng là khu rừng tự nhiên lớn nhất còn lại, là “lá phổi xanh tự nhiên” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với cảnh quan đẹp, núi non hùng vĩ, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng và hệ sinh thái rừng núi đá đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao.

Khu dự trữ thiên nhiên có 6 kiểu thảm thực vật, 1.234 loài thực vật thuộc 660 chi, 171 họ, 5 ngành và 2 lớp thực vật, trong đó ghi nhận 56 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc đối tượng cần phải bảo tồn. Hệ động vật phong phú với 346 loài, 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn.

Với địa hình núi non hiểm trở, Khu dự trữ thiên nhiên có hệ thống hang động, nhiều di tích lịch sử-khảo cổ, trong đó có Di tích lịch sử cấp quốc gia Mái đá Ngườm, là nơi người tiền sử từng sinh sống. Đồng thời, đây còn là khu vực phòng thủ quốc phòng nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu dự trữ thiên nhiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng -0
Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên huy động sự tham gia của người dân đối với việc xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng đang đứng trước những áp lực rất lớn. Đó là vùng đệm có hơn 6.500 hộ dân với gần 26 nghìn người, trong đó hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, H’Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 15,5%.

Để giảm áp lực đối với rừng, bảo vệ khu bảo tồn hiệu quả, những năm qua Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với huyện Võ Nhai, các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh và Ban Quản lý hỗ trợ 56 thôn, xóm thuộc vùng đệm với số tiền 40 triệu đồng/năm để cộng đồng xây dựng các công trình đường giao thông, sân nhà văn hóa, thiết bị điện chiếu sáng, cây giống, con giống; tập huấn, cung cấp giống, phân bón cho người dân các xã Phú Thượng, Thần Sa và Cúc Đường trồng 12 ha Cát Sâm và Ba Kích dưới tán rừng. Qua mô hình này, đã thúc đẩy nhân dân các xã trong vùng thấy được hiệu quả, giá trị kinh tế của các loại cây dược liệu, coi đây là một hướng làm giầu mới phù hợp với điều kiện của địa phương.

Việc khoán quản lý, bảo vệ rừng Khu bảo tồn đi vào nề nếp, năm 2021, gần 6 nghìn ha rừng đặc dụng được giao khoán bảo vệ cho 26 cộng đồng và 2 hộ gia đình từ nguồn ngân sách tỉnh giúp người dân có thêm thu nhập.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân, thường xuyên duy trì các cuộc tuần tra quản lý, giám sát hiện trạng rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, chỉ tính riêng hai năm 2020 và 2021, 70 lớp tập huấn, tuyên truyền đến gần 3.000 đối tượng được Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên tổ chức theo hướng đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ, tập quán của người dân về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học nên nhận thức, ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng, người dân được nâng lên rõ rệt, vi phạm lâm luật giảm hẳn, không để xảy ra cháy rừng.

Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Thời gian tới, áp lực đối với khu dự trữ thiên nhiên còn lớn. Đó là tình trạng thiếu đất sản xuất dẫn đến phá rừng để làm nương rẫy, khai thác các các sản phẩm từ rừng; quy hoạch rừng đặc dụng có nơi còn chưa phù hợp, một số diện tích đất ở, ruộng vườn, nương rẫy cố định của người dân chồng lấn vào đất rừng đặc dụng”.

Khu dự trữ thiên nhiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng -0
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý và người dân thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra, giám sát rừng.

Diện tích rộng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý còn mỏng, chế độ lương thấp, nhiệm vụ thường xuyên phải tuần tra bảo vệ rừng trên địa hình chia cắt, hiểm trở mà chưa có chế độ phụ cấp hỗ trợ, chưa có hướng dẫn thực hiện chế độ tuần tra bảo vệ rừng; năm 2021 ngân sách Trung ương không cấp cho khoán bảo vệ đối với gần 8.400 ha rừng đặc dụng nên việc quản lý, bảo vệ khu dự trữ thiên nhiên đang đặt ra những thách thức lớn.

Từng bước khắc phục những vấn đề nêu trên, năm 2021, Ban quản lý đã tiến hành rà soát, thống kê và đề nghị điều chỉnh những diện tích đất thổ cư, cây nông nghiệp, cây ăn quả với diện tích hơn 1.200 ha ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng để phù hợp về quy hoạch sử dụng đất, thuận lợi cho quản lý và phát triển kinh tế cho người dân; dày công lập Dự án thành lập lại Khu rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng và xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững Khu rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng giai đoạn 2021-2030 theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP trình các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Qua đó, sẽ có cơ sở pháp lý đủ mạnh nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, giám sát quản lý rừng đặc dụng, bảo vệ cảnh quan, môi trường sống của các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài quý hiếm.

Đồng thời, có điều kiện tốt hơn hỗ trợ sinh kế cho người dân nhằm góp phần nâng cao đời sống, nhận thức và ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng, thu hút người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo ra sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và các hoạt động kinh tế của các dân tộc trong vùng.