Khu di tích đền Sóc (Hà Nội) đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

Sáng 24-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), UBND huyện Sóc Sơn tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và khai mạc Lễ hội đền Sóc năm 2015. Ðến dự có Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðặng Thị Bích Liên, bà Ca-thơ-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Năm 1962, Khu di tích lịch sử đền Sóc được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và ngày 31-12-2014, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội đã trao Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Quần thể di tích đền Sóc. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thành phố cũng như huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức tốt việc bảo vệ di tích, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Sóc gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, diễn ra lễ khai hội đền Sóc. Lễ hội diễn ra trong ba ngày, kết thúc vào ngày 8 tháng Giêng.

* Khai hội chùa Hương: 9 giờ sáng 24-2, tại sân chùa Thiên Trù, UBND huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) tổ chức lễ khai hội chùa Hương năm 2015, với chủ đề "Lễ hội chùa Hương kỷ cương, văn minh, trật tự, du lịch". Mùa lễ hội năm nay, huyện Mỹ Ðức phối hợp các ngành chức năng của thành phố triển khai hàng loạt các biện pháp để bảo đảm trật tự, an toàn, văn minh. Ðến thời điểm này, tại khu di tích không để xảy ra tình trạng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch; hàng quán được bày bán ngăn nắp; không còn tiếng ồn vì loa rao bán hàng; vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, không có cảnh treo thịt thú gây phản cảm. Công tác vệ sinh môi trường trên dòng suối Yến, trong khu danh thắng Hương Sơn luôn được bảo đảm. Bên cạnh đó, huyện Mỹ Ðức phối hợp Công an thành phố ngăn chặn tình trạng chèo kéo khách, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Theo Ban tổ chức lễ hội, từ mùng 2 Tết đến hết mùng 5 Tết Ất Mùi, có hơn 154 nghìn lượt du khách đến vãn cảnh khu di tích này.

* Sáng 24-5 (tức mùng 6 Tết Ất Mùi), tại xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Ban Trị sự chùa Bái Ðính tổ chức khai hội năm 2015. Tới dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Lễ hội chùa Bái Ðính được tổ chức thường niên và kéo dài đến hết mùa xuân. Năm nay, chùa Bái Ðính mở cửa từ chiều mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch.

* Ngày 24-2 (mùng 6 Tết), Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Ðiền, Thừa Thiên - Huế) tưng bừng khai hội đầu Xuân Ất Mùi. Hội vật đã tồn tại hàng trăm năm nay tại Quảng Ðiền, thu hút hàng nghìn người đến dự. Ngoài yếu tố tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, hội vật luôn đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe cho thanh, thiếu niên.

Cũng trong ngày mùng 6 Tết, tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) diễn ra lễ hội cầu ngư và đua ghe (thuyền) truyền thống. Hàng trăm năm nay, cứ đến dịp đầu năm mới, nhân dân thị trấn Lăng Cô lại tổ chức lễ hội truyền thống này.

* Sáng 24-2, lễ hội khai bút đầu xuân Ất Mùi 2015 đã được tổ chức tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa, giáo dục truyền thống, thể hiện tinh thần hiếu học, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhân dịp này, Tết trồng cây "Ðời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại" trên địa bàn huyện Kiến Thụy cũng được phát động. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 26-2 (tức mùng 8 Tết Ất Mùi).