Sư đoàn của những cái nhất
Đại tá Hoàng Oanh, Phó Trưởng ban liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 1, kể: Sư đoàn được thành lập tháng 8/1965 để vào chiến trường miền nam chiến đấu. Khi ấy, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền nam trực tiếp tham chiến (sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”).
Tại chiến trường Tây Nguyên, Sư đoàn 1 đã chiến đấu, lập nhiều chiến công lừng lẫy như trận Plei Me-Ia Đrăng (11/1965), loại khỏi vòng chiến đấu Lữ đoàn 3 của Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ. Chiến thắng này đã giúp cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đi đến kết luận: “Ta đánh được Mỹ và hoàn toàn có thể chiến thắng đế quốc Mỹ”. Tiếp đó, tháng 11/1967, trong chiến dịch Đắk Tô 1 và Điểm cao 875, Sư đoàn lại lập công xuất sắc, loại khỏi vòng chiến đấu Lữ đoàn dù 173 sừng sỏ của Mỹ, góp phần đánh bại “Chiến lược tìm diệt” của Mỹ, tạo đà để tiến tới cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Là lực lượng nòng cốt chủ yếu của Mặt trận Tây Nguyên (B3), Sư đoàn 1 đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn, nhỏ của B3, góp phần to lớn vào việc tiêu diệt quân viễn chinh Mỹ, giữ vững địa bàn, xây dựng và phát triển lực lượng và chính quyền cách mạng ở Tây Nguyên. Tháng 8/1968, Sư đoàn 1 được điều động vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2) chiến đấu nhằm kéo quân Mỹ trong nội đô và vùng ven Sài Gòn-Gia Định ra ngoài, tạo điều kiện cho ta củng cố, xây dựng cơ sở và lực lượng trong nội đô (sau những tổn thất của đợt 1, đợt 2 Tết Mậu Thân). Được sự giúp đỡ, đùm bọc của Đảng bộ, nhân dân và chính quyền cách mạng các tỉnh Phước Long, Bình Long, Tây Ninh và đặc khu Sài Gòn-Gia Định, cùng các đơn vị bạn, Sư đoàn 1 đã vượt qua khó khăn gian khổ, phát huy truyền thống “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “Lấy tiếng súng làm hiệu lệnh hợp đồng chiến đấu”.
Nói về Sư đoàn 1, có thể khái quát vào những cái nhất như sau: Là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu với quân viễn chinh Mỹ; là sư đoàn tiêu diệt nhiều đơn vị của quân Mỹ và bắt sống nhiều tù binh Mỹ nhất; là sư đoàn duy nhất được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất cho một chiến công xuất sắc trong chiến dịch Plei Me-Ia Đrăng (11/1965); là sư đoàn duy nhất hoạt động ở khắp các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Campuchia…
Nam Bộ mãi vang danh
Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, Trưởng ban liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 1, thống kê: Tròn một năm ở Đông Nam Bộ (sát cánh cùng các Sư đoàn 5, 7, 9), Sư đoàn 1 đã đánh 803 trận, tiêu diệt 28.793 tên địch; tiêu diệt và phá hủy 1.433 xe cơ giới; bắn cháy 657 máy bay (chủ yếu là trực thăng); phá hủy 138 pháo;...
Đặc biệt, ở địa danh Sóc Con Trăng, quân ta đã tiêu diệt gần hai tiểu đoàn hỗn hợp bộ binh và pháo binh của Sư đoàn 1 (Anh cả đỏ) sừng sỏ của Mỹ. Sóc Con Trăng nằm bên bờ suối Tống Lê Chân, một ngọn suối sát đầu nguồn sông Sài Gòn. Tại đây, quân Mỹ xây dựng một cụm chốt dã ngoại kiên cố nhằm ngăn chặn chủ lực ta, trực tiếp uy hiếp Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền. Lực lượng ở đây có hai tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn “Anh cả đỏ” Mỹ với trên 36 xe tăng, xe bọc thép, lại bố trí trong năm hàng rào thép gai bùng nhùng kết hợp với mìn clây-mo và chiếu sáng. Bên trong có 40 lô cốt vừa là chỗ ngủ vừa là ụ chiến đấu, bố trí thành hai vòng lô cốt theo kiểu răng bừa. Đây cũng là địa danh mà chúng tôi xây dựng “Đài Vinh danh chiến công-Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ” Sư đoàn 1. Công trình trị giá một tỷ đồng, do Quân khu 7 và tỉnh Tây Ninh vận động đầu tư.
Sóc Con Trăng là nơi căn cứ Quân ủy Miền đóng quân (sau dời về đóng ở Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước). Cụ thể, ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng về đóng tại Tà Thiết do khí hậu Tà Thiết ít khắc nghiệt hơn Sóc Con Trăng và có rừng giải phóng rộng lớn. Huyện Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh cho nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền nam.
Theo lịch sử Sư đoàn 1 thì khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường B2, tháng 9/1969, Sư đoàn 1 lại được điều xuống miền Tây Nam Bộ chiến đấu tại các tỉnh Long Châu Sa, Long Châu Hà (nay là Kiên Giang, An Giang) và giúp cách mạng Campuchia, giải phóng một vùng rộng lớn ở phía đông nam Campuchia, gồm các tỉnh: Tà Keo, PuốcSát, Prveng… và một phần Thủ đô Phnôm Pênh. Cuối năm 1974, Sư đoàn 1 được giải thể.