Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Nhân dân hai nước đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong suốt giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của mỗi nước.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới của Việt Nam đều gắn liền với sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962, mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước. Nhằm thắt chặt tình hữu nghị truyền thống và tạo tiền đề cho nhiều thỏa thuận hợp tác sau này, ngày 18/7/1977, hai bên ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào.
Theo đồng chí Thoongsavanh Phomvihane (Thoong-xạ-vẳn Phôm-vi-hản), Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Hiệp ước là nền tảng vững chắc, là cơ sở pháp lý để hai nước củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác đặc biệt.
Trong chặng đường 60 năm qua, quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều rộng và chiều sâu. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, nhất là sau khi nâng tầm từ "quan hệ hữu nghị truyền thống" lên "quan hệ hữu nghị vĩ đại" vào năm 2019, trở thành nền tảng vững chắc định hướng hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
Hai nước phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi nước, cũng như củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hợp tác kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thực chất và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước. Hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế… được quan tâm thúc đẩy và thu được nhiều kết quả tích cực.
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Lào ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công… góp phần tích cực duy trì hòa bình và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Nhằm kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, nhiều hoạt động phong phú và có ý nghĩa thiết thực được tổ chức tại cả hai nước trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022. Lễ kỷ niệm các mốc son sáng ngời giữa hai nước đã được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội và thủ đô Viêng Chăn của Lào trong bầu không khí thắm tình hữu nghị.
Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Lào
5/9/1962 Thiết lập quan hệ ngoại giao
1977 Ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác
Ký Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia
2015 Ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào
Ký Hiệp định Thương mại biên giới
2016 Ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới
Ký Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền
2019 Nâng mức quan hệ từ "quan hệ hữu nghị truyền thống" lên "quan hệ hữu nghị vĩ đại"
2022 Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
(Nguồn: Bộ Ngoại giao)
Tại các lễ kỷ niệm, điểm lại những chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào đều nhấn mạnh niềm tự hào về mối quan hệ mẫu mực, trong sáng, thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định, các hoạt động trong Năm Đoàn kết Hữu nghị là dịp giúp thế hệ trẻ hai nước thấm nhuần lịch sử và giá trị cao đẹp của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Qua đó, nhân dân hai nước tiếp tục giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Trải qua những tháng năm lịch sử, quan hệ Việt Nam-Lào đã trở thành mối quan hệ thủy chung, mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang (Xẻng-phết Hùng-bun-nhương) khẳng định, nhân dân hai nước luôn gắn bó trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", đã cùng nhau vượt qua núi cao, ghềnh sâu; tiếp tục cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước thịnh vượng, đồng thời giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi tươi đẹp và truyền lại cho các thế hệ mai sau.