Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Đỗ Văn Chiến bày tỏ vui mừng, khẳng định, sau hơn 40 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước phát triển vượt bậc dựa trên nòng cốt to lớn là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhấn mạnh người có uy tín luôn có vai trò quan trọng, là chỗ dựa tinh thần, cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, nhất là tại các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong vận động đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa người có đạo và không có đạo, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn, đồng bào các dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng đóng góp công sức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Chính phủ và Mặt trận phát động; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ an ninh Tổ quốc để gìn giữ cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho từng thôn, buôn.
Những chức sắc, chức việc các tôn giáo, trí thức, người tiêu biểu là cầu nối gắn kết ý Đảng, lòng dân
Theo các báo cáo tại buổi gặp mặt, hiện tỉnh Lâm Đồng có lần lượt gần 1.600 và gần 900 người tiêu biểu các dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; có hơn 2 nghìn chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp.
Nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh có đông đồng bào theo các tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã tích cực, chủ động tham gia cùng cán bộ Mặt trận ở cơ sở xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình tự quản như: "Tiếng kẻng an ninh”, “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, “Giáo xứ an toàn, sáng, xanh, sạch đẹp”, “Giáo xứ không có tội phạm”...
Những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào thật sự được nâng cao. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh còn 5,34% (18.237 hộ). Trong đó, hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,22% (11.454 hộ).
Cùng với đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh đã đạt những kết quả toàn diện; toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 96,4%), trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.