Không ngừng lan tỏa văn hóa đọc

NDO - Ngày 1/11, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh và vinh danh Đại sứ Văn hóa đọc cấp quốc gia năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Ban tổ chức khen thưởng cho các cá nhân đạt giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh.
Ban tổ chức khen thưởng cho các cá nhân đạt giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh.

Đây là một trong những sự kiện văn hóa, giáo dục thiết thực nhằm lan tỏa khơi dậy niềm đam mê đọc sách, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Nhân dịp này, 5 tập thể, 46 cá nhân đã được vinh danh, khen thưởng.

Sau 5 tháng triển khai ban tổ chức đã tiếp nhận được 36.446 bài dự thi đến từ 196 trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các bài dự thi cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về mặt nội dung và hình thức.

Một số bài dự thi được đầu tư công phu với hình thức thể hiện phong phú như viết tay, vẽ hình minh họa, có lời Việt-Anh, xây dựng video; ý tưởng trình bày đẹp, đa dạng và độc đáo.

Đặc biệt, một số bài thể hiện được kỹ năng viết, thuyết trình và khả năng sáng tạo của học sinh về văn hóa đọc, vai trò của sách trong học tập và cuộc sống, thể hiện niềm say mê đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi...

Có thể nhận thấy, văn hóa đọc đã có tác động tích cực đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác đã được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách.

Một số em học sinh, sinh viên đã âm thầm trở thành những đại sứ văn hóa đọc, đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh còn khó khăn trong xã hội.

Không ngừng lan tỏa văn hóa đọc ảnh 1

Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh trao Giải Nhất cho các cá nhân.

Bà Bùi Thúy Hải, Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2024, cuộc thi tiếp tục được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh, cho các nhóm đối tượng: Nhóm học sinh tiểu học, trung học cơ sở và nhóm học sinh trung học phổ thông.

Bộ câu hỏi được xây dựng mới, thẩm định kỹ lưỡng nhằm phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của từng nhóm thí sinh, giúp thí sinh xây dựng kế hoạch hành động hoặc sáng kiến nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng hướng đến đối tượng cụ thể là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật chữ in, người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Sau một hành trình dài, cuộc thi đã tìm ra được những gương mặt tiêu biểu thắp sáng ngọn lửa đam mê đọc sách, truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.

Không ngừng lan tỏa văn hóa đọc ảnh 2

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh khen thưởng, vinh danh các cá nhân đạt Giải Đại sứ Văn hóa đọc cấp Quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, tham dự vòng chung kết cấp Quốc gia, Quảng Ninh tiếp tục đạt được kết quả cao với 1 giải Đại sứ Văn hóa đọc, 1 giải Nhất, 1 giải Ba, 1 giải Chuyên đề.

Với những thành tích đáng khích lệ, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã góp phần thúc đẩy văn hóa và giáo dục tỉnh nhà phát triển bền vững. Đồng thời qua cuộc thi, các em học sinh không chỉ được bày tỏ tình yêu đối với quê hương, đất nước, mà còn chia sẻ những ước mơ, khát vọng tuổi trẻ, cũng như kết nối, lan tỏa nhiều mô hình khuyến đọc ý nghĩa. Đây thật sự là nền tảng để nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.

Em Phạm Trung Khải, lớp 8A8, Trường trung học cơ sở Trọng Điểm, thành phố Hạ Long, chia sẻ, thông qua cuộc thi giúp các em thể hiện được kỹ năng viết, thuyết trình và khả năng sáng tạo của học sinh về văn hóa đọc, vai trò của sách trong học tập và cuộc sống, thể hiện niềm say mê đối với sách, chia sẻ kinh nghiệm đọc trong từng trang viết và lan tỏa tinh thần, văn hóa đọc đến với nhiều người.

Để tiếp tục phát triển văn hóa đọc, ban tổ chức lưu ý, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc thi, khơi dậy niềm đam mê và lan tỏa tình yêu sách trong nhân dân, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường liên kết giữa phong trào văn hóa đọc và giáo dục trong nhà trường, triển khai các mô hình khuyến đọc sáng tạo và thiết thực cho xã hội, đặc biệt là khen thưởng các cá nhân, tập thể có mô hình hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.