Không nên đổ xô đầu tư vàng

Nhiều ngày qua, giá vàng liên tục tăng cao và hầu như chưa có điểm dừng. Trước “cơn sốt” giá vàng, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh tăng mua, bán khiến thị trường càng thêm nóng. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, không nên đổ xô đầu tư vàng trong thời điểm này vì có nhiều rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng mua-bán nhộn nhịp tại một tiệm vàng.
Khách hàng mua-bán nhộn nhịp tại một tiệm vàng.

Tại cửa hàng vàng bạc đá quý SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3), nhiều khách xếp hàng ngồi chờ mua vàng. “Số tiền thưởng Tết vừa rồi, tôi tiết kiệm tính gửi ngân hàng nhưng thấy vàng đang lên giá cho nên mua để dành. Dù hiện nay giá vàng khá cao nhưng khách mua vẫn rất đông, sau khi chuyển khoản, tôi ngồi chờ khoảng 15 phút mới đến lượt”, chị Nguyễn Thị Thy (ngụ Quận 5) cho biết.

Tại tiệm vàng Mi Hồng (Quận Bình Thạnh) khá đông khách vào mua bán vàng. Trong đó, nhiều khách đến tìm mua nhẫn vàng tròn trơn loại một chỉ nhưng nhân viên cho biết, sản phẩm đã hết từ nhiều ngày nay và không biết khi nào có hàng. Khách hàng chỉ được mua tối đa một chiếc nhẫn loại một chỉ đã ép vỉ. Không mua được vàng nhẫn tròn trơn, nhiều khách hàng chuyển sang mua các trang sức khác như lắc tay, dây chuyền, nhẫn kiểu… “Từ trước đến nay, chưa bao giờ có tình trạng này. Không mua được nguyên liệu vì vậy không thể làm vàng nhẫn để bán ra, điều này nằm ngoài kiểm soát cho nên đành chịu”, nhân viên tiệm vàng cho biết.

Chủ tiệm vàng Kim Thanh Nguyễn Thu Huyền (Quận 5) cho biết: Lượng khách đến mua vàng nhẫn tròn trơn tăng gần 20%. Theo chị, thông thường sau ngày Thần Tài (Mồng 10 tháng Giêng), khách đến mua vàng sẽ thưa thớt hơn. “Thế nhưng năm nay thì ngược lại, trong ngày Thần Tài khá vắng khách, nhưng sau đó lượng khách đến tăng từng ngày. Vàng nhẫn, vàng trang sức rẻ hơn vàng miếng; và đặc biệt, vàng nhẫn đang tăng giá nhanh cho nên nhiều người tranh thủ mua gom. Có ngày, tiệm chúng tôi không đủ vàng nhẫn để bán cho khách”, chị Huyền cho hay.

Chia sẻ lý do người dân đổ xô mua gom vàng, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam Trương Hiền Phương cho rằng: Ngoại trừ sau Tết, mùa cưới, vía Thần Tài khách mua vàng tăng thì vẫn còn nhiều nguyên nhân khác. Đó là nhu cầu phát sinh đột ngột do lo lắng về những bất ổn của nền chính trị trên thế giới. Trước tình hình đó, vàng được xem là kênh đầu tư an toàn và đáng tin cậy nhất. Những người có tiền thường chọn mua vàng để bảo vệ tài sản và đầu cơ… Một lý do nữa là thiếu vàng nguyên liệu, có thể do người ta ưu tiên làm vàng miếng nhiều hơn; chính sách nhập khẩu vàng đang không được thông thoáng, cởi mở vì nhập khẩu vàng nhiều sẽ ảnh hưởng đến cán cân ngoại tệ… “Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm vàng trong những ngày qua. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là sự khan hiếm cục bộ, ngắn hạn và sẽ sớm trở lại bình thường”, ông Phương nói. Cũng theo ông Phương, việc mua vàng làm của để dành là điều hoàn toàn chính đáng, nhưng không nên đổ xô mua vàng mất kiểm soát. Đừng thấy người ta mua vàng thì mình cũng mua, hoặc lo lắng vu vơ rồi nháo nhào đi mua vàng, vô hình trung đẩy giá vàng lên cao. “Chính phủ có đủ điều kiện, năng lực, đủ khả năng và chính sách để can thiệp vào thị trường vàng nếu thị trường này nóng lên một cách đột xuất, vô căn cứ và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng. Do đó, nhà đầu tư không cần quá lo lắng và tránh bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá vàng bất hợp lý này”, ông Phương khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: Hiện nay, nhiều người có tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu, trong khi lãi suất tiết kiệm giảm, bất động sản và chứng khoán phập phù… cho nên họ đầu tư vào kênh vàng. “Nếu giá vàng tăng cao quá mức sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên, về mặt đầu tư không có chuyện bán tháo tài sản để mua vàng cho nên không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ”, ông Trinh nhận định.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự đoán: Cơn sốt mua vàng thời gian tới có lẽ còn tiếp tục. Theo ông, lượng vàng trong dân còn rất nhiều, ít nhất khoảng 400 tấn vàng. Nếu đặt giả thuyết mọi người đổ xô đi mua vàng, rút tiền ngân hàng, không đầu tư vào bất động sản và chứng khoán thì chắc chắn sẽ làm thị trường vàng càng thêm nóng. Điều này, gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến kinh tế, thậm chí ảnh hưởng đến lạm phát. “Trong thời điểm này, người dân có thể đầu tư vào vàng để kiếm lời vì vàng luôn là tài sản an toàn cho mọi thời đại, nhưng không nên “đổ tất cả trứng vào một giỏ”. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên lướt sóng sàn vàng kiểu “ăn xổi ở thì” vì giá vàng bất định, sẽ rất nguy hiểm”, ông Hiếu nhận định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiêm Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhận định: Không có tình trạng doanh nghiệp găm giữ vàng, chờ giá lên để bán. Các doanh nghiệp chỉ có thể tham khảo giá mua-bán trên cơ sở khả năng nguồn vàng SJC hiện có để ấn định giá trong từng thời điểm với khách hàng. Khi giá vàng SJC có chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế quy đổi, thông thường các doanh nghiệp có giãn cách biên độ giữa giá mua-bán từ 1-3 triệu đồng/lượng để phòng ngừa rủi ro do không làm chủ được nguồn hàng. “Muốn giải quyết cơn sốt giá vàng, cần phải tăng nguồn cung bằng cách Ngân hàng Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng được nhập một lượng nhất định vàng nguyên liệu để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới”, ông Khánh cho biết.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn có hạn ngạch cho các doanh nghiệp (SJC, PNJ, DOJI và mỗi đơn vị được nhập khoảng 500 kg vàng nguyên liệu trong ngắn hạn từ 3-6 tháng) sản xuất, kinh doanh nữ trang nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang vàng cho thị trường nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được nhập, cho nên vàng quốc tế tăng kéo theo giá vàng trong nước có thời điểm lên đến mức 80 triệu đồng/lượng. Đồng thời, Hiệp hội cũng kỳ vọng sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới ■