Không lơ là với nguy cơ cháy nổ

Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người đặc biệt nghiêm trọng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke xảy ra mới đây tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) một lần nữa là hồi chuông báo động về công tác phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị sầm uất, có nhiều cơ sở kinh doanh, giải trí thì vấn đề này càng cần được chú trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Các cán bộ, chiến sĩ diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một tòa nhà ở thành phố Thủ Đức.
Các cán bộ, chiến sĩ diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một tòa nhà ở thành phố Thủ Đức.

Mới đây, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Gò Vấp phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã phát hiện nhiều vi phạm. Tại quán karaoke Thanh Ruby trên đường Trần Quốc Tuấn, phường 1, quận Gò Vấp, qua kiểm tra, thị sát thực tế cho thấy, cơ sở này thiết kế theo kiểu nhà hộp, không có ban-công, các cửa sổ mỗi tầng bị “cố định” bởi dàn dây thép dùng để treo đèn led. Các thông báo về lối thoát hiểm được thiết kế rất sơ sài bằng các mẫu giấy dán trên tường thay vì báo hiệu bằng đèn phản quang. Diện tích thang bộ di chuyển có nơi không đạt yêu cầu tối thiểu, không có cầu thang thoát hiểm khi có sự cố.

Đối với hệ thống báo cháy, khi bấm nút báo động thì một số tầng hệ thống chuông báo không hoạt động. Làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện cơ sở kinh doanh này không xuất trình được hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Riêng với hệ thống chuông báo cháy “lúc được, lúc không”. Chủ cơ sở cho biết: Cơ sở chưa có sự kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy định kỳ. Còn tại quán karaoke White Star trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, khi cơ quan chức năng kiểm tra, đại diện cơ sở này thừa nhận, đây là cơ sở được “cải tạo” từ một căn nhà ở trước đó. Chủ cơ sở cũng tháo dỡ một số cửa chống cháy lan ở các tầng kinh doanh karaoke không đúng theo bản vẽ được thẩm duyệt trước đó.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, sau sự cố gây thiệt hại về người, nhất là sau vụ cháy cơ sở karaoke tại Bình Dương, lãnh đạo Phòng PC07 đã thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra karaoke, vũ trường, quán bar... Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 414 loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar. Mặc dù mới chỉ kiểm tra hơn 50% số cơ sở, các đơn vị chức năng đã phát hiện nhiều vấn đề sai sót, vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại hơn 90 cơ sở và lập biên bản xử phạt với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 cho biết: Nguy cơ cháy nổ luôn có nhiều tiềm ẩn, nguy cơ cao không chỉ tại các khu công nghiệp, chung cư, trung tâm thương mại… mà các quán bar, vũ trường, quán karaoke cũng là nơi có thể cháy bất cứ lúc nào khi mà ở đây luôn tập trung đông người. Đây là các địa điểm vui chơi, giải trí sử dụng các thiết bị có nguồn điện, nguồn nhiệt luôn hoạt động liên tục; không gian được thiết kế kín, chỉ cần một sơ sẩy, chủ quan hoặc các sự cố chập điện thì hỏa hoạn có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Thiết kế mặt trước của các cơ sở kinh doanh karaoke thường bị che chắn bởi biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có cho nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy. Trong đợt tổng kiểm tra này, các đơn vị chức năng sẽ thực hiện các nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra về việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu; kiểm tra hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kiểm tra về giao thông, nguồn nước, khoảng cách phòng cháy, chống cháy, bậc chịu lửa và quy mô của công trình... Sau các đợt kiểm tra, các đơn vị chức năng sẽ triển khai thực hiện các biện pháp về tập huấn, phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ.

Đối với các cơ sở thực hiện không đúng với thiết kế, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện lại các thiết kế theo quy định. Đại tá Huỳnh Quang Tâm khuyến nghị: Mỗi người khi tới các trung tâm thương mại, quán karaoke, quán bar vui chơi cần trang bị, tìm hiểu kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn để tự cứu mình khi có hỏa hoạn. Khi vào vui chơi cần quan sát kỹ các lối thoát nạn; khi có cháy cần bình tĩnh, hô hoán, báo động cho mọi người ra cửa chính. Nếu cửa chính bị lửa, khói cháy lớn thì phải nhanh chóng tìm lối khác như: Ban-công, cửa sổ, sân thượng và tìm cách thoát xuống bằng thang, dây,…

Khi có hỏa hoạn, mọi người tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh; nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn ướt quấn chặt vào người và thoát ra nhanh nhất có thể; nếu có khói hãy dùng khăn ướt che kín mũi, miệng và cúi thật thấp men theo tường để ra lối thoát nạn…

Đối với các dạng ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịp này, các đơn vị chức năng thuộc PC07 cũng thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh của công an phường, xã, thị trấn. Hiện toàn thành phố có gần 149.000 cơ sở dạng này.

Qua các đợt tuyên truyền cho thấy, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của chủ hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được nâng lên, nhiều người dân đã tự trang bị các bình chữa cháy, các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho gia đình giúp số vụ cháy nổ thời gian qua tiếp tục được kéo giảm ở các tiêu chí (số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản).

Tuy nhiên, vấn đề cháy nổ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nên thời gian tới, các đơn vị chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, nâng cao nhận thức trách nhiệm về chủ động phòng cháy, chữa cháy của chính quyền địa phương và người dân đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ■