Không gian và tầm nhìn mới để Quảng Ngãi vươn tầm

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển theo hướng hài hòa, hiệu quả và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sa Huỳnh, một trong những hành lang kinh tế chiến lược bắc-nam của Quảng Ngãi.
Sa Huỳnh, một trong những hành lang kinh tế chiến lược bắc-nam của Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân của cả nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, tỉnh tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.

Tầm nhìn chiến lược

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, quy hoạch tỉnh với triết lý và khát vọng về một Quảng Ngãi "Đa sắc-Hiệp đồng-Khác biệt", là hình mẫu phát triển của vùng trọng điểm miền trung và cả nước. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định tư duy mới, tầm nhìn xa, với kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển trong kỳ quy hoạch, là một bản tích hợp các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, quy hoạch tỉnh định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc hai trung tâm động lực tăng trưởng, ba trung tâm đô thị, bốn hành lang kinh tế chiến lược và sáu vùng không gian kinh tế động lực. Trong đó, hai trung tâm động lực tăng trưởng, gồm hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.

Ba trung tâm đô thị, gồm đô thị trung tâm, với thành phố Quảng Ngãi là hạt nhân; trung tâm đô thị phía bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân; trung tâm đô thị phía nam, với thị xã Đức Phổ là hạt nhân. Bốn hành lang kinh tế chiến lược, gồm hành lang bắc nam (Dung Quất-thành phố Quảng Ngãi-Sa Huỳnh); hành lang đông tây phía bắc (Lý Sơn-Dung Quất-Trà Bồng-Trà My); hành lang đông tây phía nam (Sa Huỳnh-Ba Tơ-Bờ Y); hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và Quốc lộ 24B (Ba Vì-Sơn Hà-Sơn Tây-Trà Bồng).

Sáu vùng không gian kinh tế động lực, gồm vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng động lực công nghiệp của tỉnh; vùng kinh tế sinh thái biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp và vùng kinh tế biển đảo.

Biến khát vọng thành hiện thực

Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, đưa tầm nhìn, định hướng và khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trở thành hiện thực, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai nội dung quy hoạch tỉnh đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương trên tất cả các nền tảng thông tin.

Trên cơ sở nội dung quy hoạch tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng và khoa học; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn. Thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế.

Tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics. Tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực, chất lượng, uy tín các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Tăng cường hợp tác, liên kết các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các ngành nghề trọng điểm. Tập trung phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần phải làm ngay trong năm 2024 là phải xây dựng kế hoạch để triển khai quy hoạch tỉnh, bảo đảm mở rộng không gian và tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư trong quá trình phát triển của tỉnh; xây dựng các nhiệm vụ, kế hoạch phải chi tiết, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm; hoàn thành các quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế Dung Quất để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.