Không gian nghệ thuật đương đại dưới hầm Nhà Quốc hội

Phủ kín hơn 500 mét chiều dài không gian ba khu vực hầm Nhà Quốc hội, những cụm tác phẩm sắp đặt kích thước lớn đã biến nơi đây thành bảo tàng nghệ thuật đương đại. Ở đó, người xem không chỉ cảm nhận được sự tinh tế, khéo léo trong chuyển tải nghệ thuật của các nghệ sĩ, mà còn nhận ra những đối thoại thú vị với di sản văn hóa trong dòng chảy quá khứ - hiện tại.

Một phần không gian nghệ thuật đương đại dưới hầm Nhà Quốc hội.
Một phần không gian nghệ thuật đương đại dưới hầm Nhà Quốc hội.

Đi dọc không gian đường hầm lớn, đường hầm nhỏ và hầm để xe Nhà Quốc hội, hẳn ai cũng sẽ thấy choáng ngợp trước độ hoành tráng của những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện đa dạng trên nhiều chất liệu: từ sơn mài truyền thống, đồ họa mở đến các chất liệu sắp đặt đa phương tiện như video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, chạm khắc đồng tương tác, hàn sắt chuyển động… Đây là công trình được “đặt hàng” sáng tác dành riêng cho không gian hầm Nhà Quốc hội nên các thực hành nghệ thuật đều mang đậm tính ứng tác với ngữ cảnh. Điều thú vị là mỗi tác phẩm đều như một nỗ lực đối thoại phản ánh cách nhìn sáng tạo của người nghệ sĩ đối với những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và kiến trúc trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Nếu Mảnh thời gian của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam là tác phẩm được tạo thành từ 240 mảnh ghép tương ứng 240 bức tranh sơn mài thực hiện dựa trên cảm hứng từ những di vật của kinh thành thời Lý - Trần; thì Món quà của nghệ sĩ Cấn Văn Ân lại là sự thừa hưởng món quà di sản từ tiền nhân với bộ ba tranh sơn dầu thể hiện hình ảnh cổ vật thời nhà Lý kết hợp tranh dân gian Đông Hồ. Họa sĩ Phạm Khắc Quang mang đến những ấn tượng thị giác mới về Cây đa Tân Trào - Hà Nội phố - Sự tích Hồ Gươm thông qua cụm tác phẩm được biểu hiện bằng tập hợp những điểm chấm cùng mật độ nhưng mang sắc thái khác nhau, tạo nên không gian mang tính ý niệm mà ở mỗi chấm, có thể nhận ra những hình ảnh quen thuộc của hoa sen, cá hóa rồng trong tranh Hàng Trống, hay nhân vật chú Tễu trong nghệ thuật múa rối nước. Trong khi đó, họa sĩ Lê Đăng Ninh với tác phẩm Thành bậc Điện Kính Thiên lại gợi nhớ tòa điện quan trọng bậc nhất của quần thể Hoàng thành Thăng Long xưa thông qua thủ pháp đồ họa chạm khắc trên vật liệu dẫn sáng…

Có những tác phẩm trong không gian nghệ thuật hầm Nhà Quốc hội đã thật sự mở đường cho việc xử lý những chất liệu mới trong nghệ thuật đương đại. Tiêu biểu phải nói tới Lịch sử soi chiếu của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế. Bằng hình thức sắp đặt tương tác với gương, tác phẩm gồm ba tấm gương lớn mô phỏng hình ảnh ba tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu, ở giữa khắc chữ Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Bên ngoài bia là hình ảnh dây hoa kim ngân tượng trưng cho phẩm cách, khí tiết của kẻ sĩ. Họa sĩ Triệu Khắc Tiến mang đến những xúc cảm thú vị cho người xem khi dùng hình ảnh 100 quả trứng để thực hiện tác phẩm Cội nguồn dân tộc Việt. Bằng nghệ thuật sơn mài sắp đặt, các quả trứng được dát vàng trên đầu chóp mô phỏng cấu trúc vẩy cá, nhìn xa tựa những vân sóng lấp lánh hàm chứa ý nghĩa về sự khởi nguyên của nền văn minh lúa nước. Trong khi đó, họa sĩ Trịnh Minh Tiến lại táo bạo khi thể hiện hình ảnh ba công trình kiến trúc tiêu biểu một thời của ba miền bắc-trung-nam là Chùa Báo Ân, Điện Cần Chánh, Thương xá Tax bằng cách phun sơn trên nắp ca-pô ô-tô để cảnh báo về tính dễ bị tổn thương, khả năng tồn tại mong manh của di tích lịch sử trước tốc độ phát triển nhanh, mạnh của đời sống…

Tham quan những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ này, khó ai ngờ dự án Không gian nghệ thuật đương đại khu hầm Nhà Quốc hội được hoàn thành chỉ trong hơn ba tháng bởi 15 nghệ sĩ và hơn 100 trợ lý kỹ thuật, thợ lành nghề của hơn 10 xưởng sản xuất nằm tại Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển nghệ thuật của dự án chia sẻ: Khi nhận lời thực hiện, thách thức lớn nhất với anh và các cộng sự là làm thế nào để tạo nên một không gian vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có tính tư tưởng cao bởi đây là không gian chính trị văn hóa quan trọng của quốc gia. Trong khi đó, thời gian thực hiện không nhiều, nghệ sĩ lại vốn quen thực hành nghệ thuật tự do nên để gắn kết 15 cá tính nghệ thuật là điều không đơn giản. “Sân chơi này không dành cho những cái tôi quá lớn, nên những nghệ sĩ được mời thực hiện tác phẩm đều là những người mà tôi đã có thời gian quan sát quá trình làm việc và đánh giá cao khả năng cũng như ý thức, trách nhiệm nghệ thuật của họ”.

Theo giới chuyên môn, sự xuất hiện của một không gian thể hiện cách nhìn về di sản qua những tác phẩm nghệ thuật dưới hầm Nhà Quốc hội là sự kết nối lý tưởng với hai không gian bảo tàng cổ vật Thăng Long và tiền Thăng Long nơi đây, cũng là sự khẳng định chỗ đứng của nghệ thuật đương đại trong dòng chảy nghệ thuật hôm nay. Tại lễ tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Mặc dù chưa chính thức đưa vào sử dụng nhưng sự mới mẻ, tính sáng tạo, sự hòa quyện của không gian nghệ thuật với tổng thể kiến trúc, trang trí của Nhà Quốc hội đã thu hút được nhiều sự quan tâm, ngợi khen của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và những ai có dịp ghé thăm. Văn phòng Quốc hội đã có kế hoạch đưa không gian nghệ thuật này vào điểm đến đầu tiên của tuyến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian tới…