Không được đánh mất niềm tin

Chỉ có sự chung sức, đồng lòng, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế thì chúng ta mới ngăn chặn và sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Chăm sóc, điều trị sản phụ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Chăm sóc, điều trị sản phụ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Những ngày qua tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là các trường hợp F0, F1 phải thực hiện cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế tùy theo mức độ nhiễm bệnh.

Ðể giúp người dân chủ động ứng phó dịch bệnh, ngày 31/1/2022, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà" cùng với đó là các quy định mới về cách xác định F0, F1; các biện pháp cần làm khi một người trở thành F0; chỉ dẫn điều trị F0 tại nhà, danh mục thuốc dùng cho F0 khi điều trị tại nhà,…

Các nội dung trên đều được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có thể tìm đọc và thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người nảy sinh tâm lý cực đoan: hoặc là chủ quan, coi thường dịch bệnh, không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng về biện pháp phòng, chống dịch; hoặc hoang mang, sợ hãi thái quá, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ dịch bệnh cho nên phản đối mọi hoạt động mở cửa nhằm đưa cuộc sống bước vào trạng thái bình thường mới.

Thay vì bình tĩnh, chủ động tìm cách ứng phó khi bản thân hoặc người thân mắc Covid-19, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tìm sự tư vấn, hỗ trợ từ những người có chuyên môn,… thì một số người lại vội vã tin, làm theo các bài thuốc chữa Covid không có căn cứ khoa học lưu truyền trên mạng, hối hả đặt mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá cả đắt đỏ, vô hình trung đặt tính mạng của bản thân và gia đình vào nguy hiểm.

Chính tâm lý bấn loạn, hốt hoảng này của một bộ phận người dân đã góp phần khiến thị trường thuốc và các thiết bị y tế mùa dịch càng trở nên bát nháo, hỗn loạn; tác động tiêu cực đến tâm lý, sinh hoạt của cả cộng đồng.

Trong đó không thể không đề cập đến việc một số đối tượng lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh để tung tin giả, tin sai sự thật về số ca mắc nhiễm mới, sự quá tải của hệ thống y tế, sự tắc trách trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương, chỉ trích chủ trương, đường lối, chính sách phòng, chống dịch bệnh… gây hoang mang dư luận, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Mặc dù nhiều trường hợp sai phạm về phòng, chống dịch bệnh đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm, tuy nhiên tình trạng chủ quan, lơ là, đối phó trước dịch bệnh cũng như việc lan truyền thông tin xấu độc về dịch bệnh vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức phức tạp, khó lường. Chỉ tính riêng tại Vĩnh Phúc, kể từ ngày 1/5/2021 đến ngày 21/2/2022, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hoặc đề nghị xử phạt 4.369 trường hợp, số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Nếu mỗi cá nhân không tự nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, chủ động bình tĩnh, sáng suốt ứng phó với dịch bệnh thì có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường đến mọi mặt của đời sống.

Chia sẻ mới đây của PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu rất đáng lưu tâm: "Chúng tôi không sợ Covid-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin". Rõ ràng dịch bệnh dù phức tạp, nguy hiểm đến đâu cũng không đáng sợ bằng người dân mất niềm tin.

Hiện nay, các nhân viên y tế từ trung ương đến cơ sở cùng chính quyền và lực lượng chức năng tại các địa phương vẫn đang rất nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhằm giảm tỷ lệ các ca bệnh nặng và tử vong ở mức thấp nhất. Ðiều đó có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào mỗi cá nhân, và cả cộng đồng. Chỉ có sự chung sức, đồng lòng, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế thì chúng ta mới ngăn chặn và sớm đẩy lùi được dịch bệnh.