Không để xảy ra tai nạn thương tích cho học sinh

NDO - Trước thềm năm học mới 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước và các hoạt động vui chơi lành mạnh cho học sinh; có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội).
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội).

Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản về việc bảo đảm an ninh, an toàn và văn hóa học đường năm học 2023-2024. Văn bản được đưa ra để các cơ sở rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn các hoạt động trước vụ việc mới đây có một học sinh trong giờ học bơi đã không may bị đuối nước.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ phụ huynh học sinh để quản lý học sinh trong và ngoài nhà trường.

Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực học đường. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm pháp luật.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh trong việc tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia các hoạt động xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn đuối nước, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường.

Rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường, nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ thì phải báo cáo để xử lý kịp thời. Trong trường hợp chưa thực hiện ngay được, thì phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất. Kiểm tra cơ sở vật chất (tường bao, móng, trần nhà, hệ thống điện) kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn và có biện pháp khắc phục, không để xảy ra tai nạn thương tích cho học sinh.

Thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường. Tuyên truyền đường dây nóng 024.32233111 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội hoạt động 24/7 với mục đích tiếp nhận thông tin về các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn thành phố.