Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau

NDO - "Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau" là khẳng định của "Tư lệnh" ngành nông nghiệp tại buổi tiếp đoàn các nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn sáng 9/11. Buổi gặp gỡ nằm trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau

Báo cáo tại buổi tiếp các nghệ nhân làng nghề, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.

Từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất đã tham gia, trong đó có hơn 13.000 doanh nghiệp, hơn 11.000 hợp tác xã và tổ hợp tác.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Hạ Bá Định, một trong những nghệ nhân cao tuổi, nghệ nhân gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức buổi gặp mặt ấm cúng, tạo cơ hội cho các nghệ nhân lâu năm có dịp chiêm nghiệm, chia sẻ về những thăng trầm của làng nghề truyền thống.

Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau ảnh 1

Nghệ nhân Hạ Bá Định chia sẻ tâm tư với tư lệnh ngành nông nghiệp về trăn trở làng nghề.

"Hơn 80 tuổi, tôi từng rất buồn khi thấy nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống bị lụi tàn. Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ không có lớp thế hệ kế cận. Họ chưa thực sự tìm thấy mình ở nghề của ông cha", Nghệ nhân Định trăn trở.

Trên cơ sở đó, ông Định hy vọng, các cấp, các ngành có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề truyền thống, với đối tượng mục tiêu là thế hệ trẻ. Ông tin rằng, những nghệ nhân lão thành như bản thân còn đủ sức đóng góp cho việc bồi dưỡng này.

Tại buổi gặp gỡ các nghệ nhân làng nghề cũng có cơ hội trải lòng với lãnh đạo Bộ và chia sẻ tâm tư nỗi niềm trăn trở gửi các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương để góp phần tháo gỡ khó khăn để phát triển làng nghề trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi lắng nghe chia sẻ các nghệ nhân tham dự tọa đàm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định rằng những nghệ nhân từ làng nghề truyền thống thực sự là vốn quý của xã hội.

Cắt nghĩa từ "nghệ nhân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nghệ nhân chính là những người thợ giỏi và sống được bằng nghề của cha ông. Muốn làm được điều ấy, nghệ nhân cần phải hiểu rõ bản thân đang có gì trong tay.

"Một sản phẩm làng nghề đưa ra thị trường không chỉ là những cọng tre, những tấm ván đóng xuồng, bột gạo, hay những mảnh vải lụa... Ẩn chứa bên trong còn là niềm tự hào, trách nhiệm với quê hương, xứ sở và nghĩa vụ gìn giữ với thế hệ mai sau", Bộ trưởng nói.

Làng nghề vừa mang tính kinh tế-xã hội, vừa có tính lịch sử, văn hóa. Do đó, đây không những là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, cộng đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng mong muốn các nghệ nhân đang tề tựu tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như hàng nghìn người đang hoạt động trong các làng nghề nhận thức rõ việc: Mỗi khi bán một sản phẩm làng nghề, người nghệ nhân đang bán đi một câu chuyện, một giá trị truyền thống sâu sắc.

Theo Bộ trưởng, chỉ khi thay đổi nhận thức như vậy, công việc bảo tồn làng nghề mới có thể đi vào thực chất. "Festival chỉ kéo dài 4 ngày, nhưng nếu níu được câu chuyện vào tinh thần, giá trị sẽ còn mãi", ông bày tỏ.

Qua bày tỏ của các nghệ nhân, Bộ trưởng hiểu rằng thách thức nhiều nhất với họ đang là đầu ra sản phẩm. Vì vậy, ông hy vọng nghệ nhân làm ra sản phẩm tốt rồi thì nên tìm hiểu thêm tâm lý khách hàng. Trong cuộc sống hiện đại, đa số không đủ thời gian và kiên nhẫn để có thể trải nghiệm đầy đủ các tính năng sản phẩm. Do đó, việc quảng bá, truyền thông cần hết sức cô đọng, súc tích, tập trung vào những giá trị riêng biệt, cốt lõi.

Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau ảnh 2

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe chia sẻ tâm tư từ các nghệ nhân làng nghề.

Bộ trưởng cũng kêu gọi người tiêu dùng phải hình thành tâm lý và thực sự yêu hàng Việt Nam, góp phần kích cầu thị trường. Ông nhìn nhận, các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân thợ giỏi được xem như hồn cốt của các nghề, làng nghề truyền thống, những người biến các sản phẩm đơn thuần thành các tác phẩm nghệ thuật, kết tinh giá trị và đóng góp cho việc tạo dựng văn hóa Việt, văn hóa làng nghề.

"Mỗi nghệ nhân, thợ giỏi có thể truyền cảm hứng cho những người lao động cùng tạo ra được sản phẩm làng nghề, trong sản phẩm đó có bóng dáng của nghệ nhân làng nghề. Làm sao để những sản phẩm ở tỉnh Hà Giang, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Long An đều được mọi người biết đến", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt mục tiêu.

Trên phương hướng này, thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ phối hợp cùng các làng nghề trên cả nước tạo ra thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho những sản phẩm làng nghề. Mục đích cuối cùng là phải bán những sản phẩm cho bà con, người dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau". Cùng với đó, ông giao nhiệm vụ cho Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn sớm xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống; đồng thời tham mưu để có một tạp chí chuyên biệt về làng nghề xuất hiện trên các chuyến bay trong nước và quốc tế.