Không để khi lương tăng, giá cũng tăng

Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua thực phẩm tại chợ Hôm-Đức Viên (Hà Nội). (Ảnh TRẦN HẢI)
Người dân mua thực phẩm tại chợ Hôm-Đức Viên (Hà Nội). (Ảnh TRẦN HẢI)

Bên cạnh tâm lý phấn khởi chung của cán bộ, công chức và người lao động, nhiều người dân còn lo lắng về giá hàng hóa, dịch vụ sẽ biến động, nhất là giá hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng. Trước thực trạng này, các ngành chức năng cần chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.

Việc tăng 30% mức lương cơ sở cho công chức, viên chức là một niềm vui với nhiều người. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo thường trực, là giá cả rất có thể sẽ tăng theo, thậm chí trước tăng lương. Nếu giá cả thị trường tăng quá cao, công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo… lại gặp khó, vì lương tăng không theo kịp giá cả thị trường.

Chồng làm công chức nhà nước, vợ làm giáo viên tiểu học, mỗi tháng thu nhập của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chưa đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí ăn uống, tiền điện, nước, tiền học hành cho hai con rồi chi phí sinh hoạt “ngốn” gần hết tiền lương mỗi tháng. “Tôi rất trông mong việc tăng lương vào đầu tháng 7, vì với mức lương hiện tại, gia đình tôi sống khá chật vật. Gần đây, các mặt hàng như thịt, cá, rau đến tô cháo, tô phở... đã “âm thầm” tăng giá, khiến chi phí sinh hoạt đội lên. Tôi mong muốn Nhà nước cần đồng thời thực hiện các biện pháp điều tiết, kiểm soát giá, không để giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao thì việc tăng lương mới có ý nghĩa”, chị Thắm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mến (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng làm nhân viên hành chính tại một đơn vị sự nghiệp công lập, sau 10 năm nghỉ hưu, hiện mỗi tháng bà được nhận hơn 3 triệu đồng. Mức lương hưu không đủ để chi tiêu cho nên mỗi lần đi chợ, bà Mến đều phải cân đo đong đếm từng đồng. Khi nghe thông tin về đợt cải cách tiền lương từ ngày 1/7, trong đó có việc tăng lương hưu, bà Mến rất vui. Tuy nhiên, bà trăn trở: Mức tăng lương lần này sẽ bù đắp thêm chi phí, trang trải thêm cuộc sống hằng ngày. Nhưng điều khiến chúng tôi khá lo lắng và hy vọng không tái diễn là điệp khúc “lương tăng, giá cũng tăng” như trước đây. Điều này sẽ làm giảm ý nghĩa, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng lương cơ sở lần này và đời sống của người hưởng lương, nhất là người về hưu, người lao động nghèo sẽ không được cải thiện nhiều”.

Thực tế nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực. Tình trạng giá tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu nên mới có tình trạng đầu cơ, nâng giá...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, tăng lương cơ sở lần này ở mức cao cho nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Trong đó, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... là thị trường lớn, là đầu mối cung ứng hàng hóa, dịch vụ, có tác động lớn, dẫn dắt thị trường khu vực và cả nước, cần chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, nhất là thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW…

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 17/6/2024 về việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung-cầu gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi… UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các đơn vị khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND thành phố.

Để những nhiệm vụ, giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao cần chủ động có biện pháp, giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền, điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung-cầu trong nước; tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết để kiềm chế nguy cơ tăng giá, bình ổn thị trường. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.