Không chủ quan với cơn đau xương chậu ở tuổi dậy thì

NDO -

Thấy con gái đau âm ỉ hai năm liên tiếp, gia đình chủ quan nghĩ rằng con đang tuổi dậy thì, phát triển xương. Nhưng thực tế, bé gái 12 tuổi này đang mang một khối u máu khổng lồ vùng xương chậu, phá hủy một nửa cánh chậu và đe dọa tính mạng của cháu.

Hình ảnh khối u khổng lồ và hệ thống phức tạp mạch máu nuôi u.
Hình ảnh khối u khổng lồ và hệ thống phức tạp mạch máu nuôi u.

Đau âm ỉ xương chậu, gia đình tưởng con đang tuổi dậy thì

Xuất hiện đau âm ỉ vùng hông trái hai năm nay, cháu P.N 12 tuổi (ở Hải Dương) đã được gia đình đưa đi khám tại nhiều cơ sở y tế. Tuy nhiên, tại những cơ sở y này, cháu được chẩn đoán rối loạn phát triển xương tuổi dậy thì. Tuy nhiên, triệu chứng đau của cháu cứ tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn khiến cháu bé suy sụp, gầy mòn. Gia đình lo lắng đã đưa con tới khám tại BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Tại đây, sau khi được thăm khám đánh giá kỹ càng, các bác sĩ chẩn đoán cháu có một khối nang xương phình mạch lớn vùng xương chậu bên phải. Trên phim chụp thể hiện rõ khối u đã quá lớn, đường kính trên 20cm, xâm lấn phá hủy gần như hoàn toàn cánh chậu. Tồi tệ hơn, trên phim chụp Cắt lớp mạch máu, có thể thấy rất nhiều mạch máu lớn nhỏ nuôi khối u và trong lòng khối u là cả một “bể máu” chỉ chờ chực vỡ ra bất cứ lúc nào.

Theo GS, TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội cho biết: Nang xương phình mạch tuy là một khối u lành tính, nhưng do sự phát triển quá mức của tổ chức u với thành phần chủ yếu là máu trong lòng xương, gây phá hủy mạnh tổ chức xương dẫn đến vỡ, gãy xương và xâm lấn ra phần mềm xung quanh.

Đối với loại u này, khi tổ chức xương chưa bị phá hủy hoàn toàn thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật nạo lớp nội mạc u, hỗ trợ xử lý u bằng cồn có thể tiêm hóa chất sau đó trám lại khoảng trống mất xương bằng cách ghép xương nhân tạo. Tuy nhiên, với những trường hợp muộn, khi cấu trúc xương đã bị phá hủy hoàn toàn như cháu P.N, nguy cơ phải cắt nửa cánh xương chậu để ngăn u chảy máu cấp tính, cứu tính mạng bệnh nhân là có thể xảy ra.

"Nếu chuyện này xảy ra sẽ là một tấn thảm kịch đối với cháu bé với tuổi đời còn quá nhỏ. Lấy bỏ một bên xương chậu đồng nghĩa với việc ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ, khả năng vận động, đi lại của cháu; chưa kể còn tác động xấu tới khả năng làm mẹ của cháu trong tương lai", BS Dũng cho biết.

Hai giờ căng thẳng lấy khối u, bảo tồn xương chậu cho bé gái 12 tuổi

Sau nhiều lần hội chẩn, GS, TS Trần Trung Dũng và các cộng sự quyết định lập tức triển khai phương án lấy bỏ khối u mà vẫn bảo tồn xương chậu cho bệnh nhân. Để thực hiện ca đại phẫu này, các chuyên gia hàng đầu về chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, ung bướu và chấn thương chỉnh hình đã cùng bắt tay vào cuộc.

Khối u được nuôi dưỡng và cấp máu bởi ba nguồn mạch máu lớn cùng vô vàn mạch máu nhỏ từ động mạch chậu, nên bước đầu tiên được các chuyên gia lựa chọn là tiến hành nút những mạch nuôi này trước phẫu thuật.

Việc tiến hành nút mạch thành công sẽ bảo đảm hai mục tiêu: ngăn sự phát triển tiếp tục của khối u và phòng được nguy cơ khối u chảy máu không cầm trong mổ.

Tuy nhiên, đây là công việc vô cùng khó khăn vì chỉ cần nút sai một mạch máu thì có thể dẫn tới hoại tử các khối cơ chung quanh xương chậu trong khi u lại tiếp tục chảy máu.

Không chủ quan với cơn đau xương chậu ở tuổi dậy thì -0
 Hình ảnh sau phẫu thuật, khối u được lấy bỏ và phần xương khuyết thiếu được bổ sung bằng xương nhân tạo.

Các chuyên gia can thiệp điện quang của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đứng đầu là ThS Nguyễn Ngọc Cương đã tham gia phối hợp thực hiện thành công cùng với sự góp sức của robot định vị Pheno Artis trong suốt cuộc mổ. Sau can thiệp, hầu hết các mạch máu nuôi khối u đều bị nút lại, bảo đảm cho ca phẫu thuật ngày sau đó diễn ra an toàn.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân ổn định, kíp phẫu thuật của Trung tâm phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội nhanh chóng thực hiện ca mổ lấy bỏ khối u.

Theo ThS, BS Nguyễn Trần Quang Sáng, trưởng Đơn vị phẫu thuật bệnh lý U của trung tâm cho biết, ca đại phẫu này kéo dài hai giờ đồng hồ. Khi phẫu thuật mở vào trong xương kiểm tra, khối u trong cơ thể cháu bé đã xâm lấn phá hủy gần hoàn toàn cánh chậu, hình dạng xương chậu chỉ còn duy trì bởi một lớp vỏ xương mỏng. Bên trong lòng xương chậu là hơn 500ml tổ chức u lẫn máu không đông. Dù đã có nút mạch từ trước, máu vẫn rỉ rả chảy ra từ tổ chức u.

"Các phẫu thuật viên đã phải tích cực vừa lấy bỏ hoàn toàn tổ chức u vừa cầm máu. Sau khi khối u được lấy bỏ thành công, chúng tôi đã trám lại phần xương khuyết thiếu bằng tổ chức xương nhân tạo. Rất may, do cháu P.N còn đang tuổi phát triển nên màng xương của cháu rất dày, đủ sức để chúng tôi tạo hình lại hình dáng xương chậu cho cháu mà không cần lấy bỏ hay làm các thủ thuật khác phức tạp", BS Sáng cho hay.

Sau ca mổ, cháu P.N không phải nằm hồi sức mà đã sớm được ngồi dậy, sinh hoạt, tập luyện tại giường. Thành công của ca phẫu thuật đã giúp cô bé 12 tuổi loại bỏ hoàn toàn khối u và bảo tồn gần như hoàn toàn hình thể và chức năng của xương chậu. Với tốc độ hồi phục tốt như hiện nay, cháu sẽ sớm được ra viện và quay trở lại với cuộc sống thường ngày.

ThS, BS Nguyễn Trần Quang Sáng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần để ý quan tâm hơn đến các cơn đau nhức xương của các con, nhất là các cháu đang trong lứa tuổi dậy thì. Nếu trẻ có triệu trứng đau âm ỉ trong xương, cần sớm đưa con đến các trung tâm Chấn thương chỉnh hình có uy tín để thăm khám. Chẩn đoán đúng và can thiệp sớm cùng sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm chữa trị, bảo tồn chi thể và ổn định sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.