Không chủ quan khi sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng mạnh trong những tuần gần đây. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 6, địa bàn Thủ đô ghi nhận từ 30 đến 70 ca sốt xuất huyết/tuần và từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 đã ghi nhận từ 120 đến 170 ca/tuần.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.579 ca mắc sốt xuất huyết và 57 ổ dịch. Hiện trên địa bàn còn 20 ổ dịch đang hoạt động.

Đáng lo ngại là các bệnh viện đã ghi nhận những ca bệnh nặng với biến chứng nguy hiểm. Mới đây, đã có một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại nhà riêng ở quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng). Theo ngành y tế Hải Phòng xác định, nguồn bệnh sốt xuất huyết dẫn đến ca bệnh tử vong nêu trên là từ Hà Nội. Bệnh nhân là chị B.T.H.H. đi chăm sóc mẹ điều trị sốt xuất huyết ở Hà Nội từ ngày 18/6. Đến ngày 20/6, chị B.T.H.H. được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và được chỉ định nhập viện tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 22/6.

Tại đây, người bệnh có diễn biến nặng, được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu, truyền dịch…, nhưng tình trạng không cải thiện; người bệnh bị viêm phổi nặng hơn, bội nhiễm kèm theo suy đa tạng; gia đình xin về điều trị tại nhà ngày 8/8 và tử vong tại nhà. Theo Trung tâm Y tế quận Lê Chân, chị B.T.H.H. đã tử vong với chẩn đoán: Sốc Dengue viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo suy đa tạng.

Các chuyên gia y tế cho biết, khoảng 95% số muỗi truyền bệnh hay bọ gậy-nguyên nhân gây sốt xuất huyết, có ở chung quanh nhà hoặc trong nhà. Thế nhưng, một bộ phận lớn người dân rất chủ quan. Nhiều người còn cho rằng, sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở khu vực có nhiều bụi rậm, ao tù, nước đọng, trong khi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết không đẻ trứng ở nơi ao tù, cống rãnh, mà ở dụng cụ chứa nước sạch.

Vì vậy, mỗi người dân cần loại bỏ những dụng cụ chứa nước đọng ngay trong chính ngôi nhà mình. Ngoài ra, mọi người cần chủ động các biện pháp phòng muỗi đốt. Các địa phương cần tăng cường các tổ, đội xung kích diệt bọ gậy, nhắc nhở người dân hằng ngày, hằng tuần kiểm tra loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng trong nhà, ngoài sân, vườn.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời, dễ dẫn đến biến chứng, nguy cơ tử vong cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ tăng cao trong tháng 8 và tháng 9. Vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết có bốn loại tương ứng với bốn type (Dengue 1, 2, 3 và 4), trong đó năm nay lưu hành ba type là Dengue 1, 2, 3. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của ngành y tế và chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Người bị sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.