Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc
cover (1).jpg -0
Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0

“Nếu bạn muốn có được thứ bạn chưa bao giờ có, bạn phải sẵn lòng làm những thứ bạn chưa bao giờ làm...”, đây là câu nói của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson mà Trần Đặng Đăng Khoa trích dẫn lại.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Một ngôi nhà nhỏ ở giữa rừng, tại thành phố Chimoio, thủ phủ tỉnh Manica, Mozambique. (Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA)  

Anh Khoa trước đó không khi nào nghĩ rằng chuyến khám phá của mình lại kết thúc sớm và không như dự định vì đại dịch Covid-19. Thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 1-2020, anh Khoa đang ở Tanzania, lúc đó anh đang đợi xe máy được vận chuyển từ Australia sang châu Phi. Tại thời điểm ấy, dịch Covid-19 chưa lan đến đó, quốc gia này vẫn mở cửa bình thường.

Đến sau Tết Âm lịch, dịch bệnh bắt đầu lan sang các châu lục khác và bùng phát mạnh thì anh Khoa đang ở Madagascar, rồi đi Komoros, khi ấy các sân bay đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu rửa tay. Một số cửa khẩu biên giới làm thủ tục nhập cảnh lâu lơn, anh Khoa bắt đầu tính toán nên đi tiếp hay về.

“Sau đó tôi thấy tình hình không ổn, các nước sắp đóng cửa rồi nên tôi cố gắng hết sức rời Malawi đến Mozambique, vì tôi nghĩ nếu mắc kẹt thì nên mắc kẹt ở Mozambique, ở đó có đại sứ quán Việt Nam, có cảng biển tôi có thể chuyển xe về được, có sân bay quốc tế kết nối chuyến bay qua Nam Phi rồi sau đó đi đâu thì đi sẽ dễ hơn.

Và đó là một quyết định đúng đắn của tôi, chỉ 3-4 ngày sau khi tôi vào Mozambique thì đóng cửa biên giới.

Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Anh Khoa là người khách ở lâu nhất và cũng là cuối cùng của khách sạn Pink Papaya vốn khá nổi tiếng nhưng phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA)

Anh Khoa ở thành phố Chimoio, tỉnh Manica của Mozambique suốt ba tháng. Khách sạn nơi anh ở có tên Pink Papaya vốn khá nổi tiếng nhưng vì dịch Covid-19 cũng trở nên điêu đứng.

Sau gần 20 năm hoạt động, khách sạn này đã phải đóng cửa do không còn khách thuê ở, anh Khoa là người khách ở lâu nhất và cũng là cuối cùng của khách sạn này.

“Những ngày cuối, mọi người tới ôm hết đồ đạc ra, chừa lại cái giường cho tôi với ít xoong nồi mà nhìn ai cũng buồn rười rượi. Tôi là người khách duy nhất và khi tôi rời đi thì họ đóng cửa luôn, họ phá sản nên ảnh hưởng rất nhiều người”, anh Khoa chia sẻ.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Cô chủ khách sạn Pink Papaya ngồi cười buồn khi khách sạn gần 20 năm phải chấm dứt hoạt động do dịch bệnh. (Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA) 

Anh Khoa vốn đã quen với việc chờ đợi và anh coi sự kiên nhẫn là một phần của chuyến đi, do vậy, việc mắc kẹt tại Mozambique cũng không phải là thử thách quá lớn đối với anh. Trong khi phải chờ đợi anh cũng tự cách ly, Mozambique cũng phong tỏa nhưng không quá siết tay, hàng quán ăn uống vẫn bán, chỉ những quán bar, dịch vụ giải trí mới đóng cửa.

“Ở Mozambique nhiều khi cũng bận cả ngày, buổi sáng thì nấu ăn sáng, uống cà-phê, đọc sách, rồi trưa lại nấu ăn trưa, chiều tập thể dục rồi đi mua đồ ăn thêm, tối về thì tình hình lúc đó cũng đang phức tạp, một số vụ bắt cóc, khủng bố cũng có ở khu vực phía bắc, thêm dịch bệnh nữa nên tôi hạn chế ra ngoài, càng tiếp xúc ít người càng tốt. Bận cả ngày nên tôi thấy thời gian trôi qua cũng nhanh, tôi cũng quen với việc chờ đợi nên coi đây như là dịp nghỉ ngơi sau khi chuyến đi kết thúc”, anh Khoa vui vẻ nói.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0

 Những tưởng phải chôn chân ở Mozambique thêm vài tháng nữa vì có thể phải tới cuối năm mới có chuyến bay thương mại về nước, anh Khoa không ngờ đầu tháng 6 được Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique thông tin sắp có chuyến bay hồi hương của Hãng hàng không quốc gia Nam Phi phối hợp Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan hai nước. Chuyến bay này sẽ dành một số suất cho công dân của Việt Nam tại Mozambique.

Mới đầu, anh Khoa định không đăng ký vì muốn dành suất về cho những người cao tuổi, phụ nữ hay trẻ em nhưng khi được biết số lượng người Việt Nam ở Mozambique đăng ký về rất ít, chỉ hơn 30 người nên anh Khoa thử đăng ký và được suất bay về.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng phát vé, giấy tờ cho bà con chuẩn bị hồi hương. (Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA) 

Tuy nhiên, anh Khoa chia sẻ, thời gian cực kỳ gấp mà phải giải quyết cả “núi” việc. Thời gian đăng ký chỉ có vài tiếng, rồi phải lo giấy tờ nhập cảnh do bà con Việt kiều ở Mozambique do không ai có visa Nam Phi, giấy đồng ý cho xuất cảnh khi mọi biên giới đóng cửa hết, việc thanh toán cũng rất khó khăn.

Chưa kể, bà con Việt kiều ở rải rác khắp Mozambique rộng lớn phải tập hợp về Thủ đô Maputo, rồi thuê xe tới biên giới, lại thêm chuyến xe nữa về Johannesburg (Nam Phi), rồi nhiều chuyện lặt vặt khác phải xử lý rất gấp trong thời gian dịch bệnh.

Rất may, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng cùng các cán bộ trong đại sứ quán, cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi mà cuối cùng mọi thứ cũng hoàn tất tới những phút cuối cùng.

Đại sứ Lê Huy Hoàng đã mất ăn mất ngủ cả tuần liền để cập nhật tin tức, lo giấy tờ ra vào cho đoàn, thuê xe bên Mozambique, liên lạc bên Hàng không Nam Phi, ứng trước tiền vé cho bà con để bên đó xuất vé cho kịp, rồi ngày đi Đại sứ còn tặng thêm đồ ăn, khẩu trang, đi theo xe ra tận cửa khẩu rồi cả ngày lo giấy tờ, thỏa thuận với cảnh sát cửa khẩu hai bên để mọi người qua được Nam Phi và về tới Johannesburg an toàn. Thật tuyệt vời và cảm động vô cùng.

Anh Khoa xúc động nói.

Trước đó, trong suốt hành trình khám phá thế giới, anh Khoa cũng đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Xuân Lưu đã giúp anh liên hệ với Đại sứ Iran tại Pakistan để xin visa vào Iran. Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã giúp anh xin giấy giới thiệu để qua Argentina.

Rồi Đại sứ Việt Nam tại Australia hỗ trợ anh làm hộ chiếu mới. Anh cũng tới thăm Đại sứ Việt Nam tại Tazania và được Đại sứ và phu nhân tiếp đón nhiệt tình.

1.111 ngày khám phá thế giới, đặt chân tới bảy châu lục, di chuyển 80.000km, qua 65 quốc gia, vất vả, thử thách rất nhiều nhưng anh Khoa được cũng rất nhiều. Anh Khoa chia sẻ, anh thích những chủ đề về văn hóa, lịch sử, chuyến đi này giúp anh đến được những di tích lịch sử nổi tiếng gắn với nhiều sự kiện lịch sử,…

Rồi những nền văn hóa, món ăn, trang phục của người dân những nơi anh đến, những câu chuyện mới và đặc biệt là những người bạn mới, những người cả đời mà anh Khoa không bao giờ quên và cũng chẳng biết có bao giờ được gặp lại hay không.

“Tôi đã mở lòng hơn, có những suy nghĩ mới, những chính kiến ngày xưa không còn nữa. Nói chung, tôi cũng bản lĩnh hơn, giờ làm gì tôi cũng chẳng sợ, nếu mình thích thì mình sẽ làm tới nơi tới chốn.

Mỗi nơi, mỗi ngày, mỗi phút mình sống mình đều cảm thấy trân trọng, thấy nó hay là được rồi”, anh Khoa chia sẻ.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
Bà con hồi hương chụp ảnh kỷ niệm và tạm biệt cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique để vào Nam Phi. Sau khi lo cho bà con mọi thủ tục cần thiết, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique mới quay lại trụ sở vào giữa đêm. (Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA) 

Chuyến bay giải cứu đã đưa anh Khoa cùng đồng bào Việt Nam tại Nam Phi và Mozambique về nước an toàn cùng hành trang đầy ắp những điều mới lạ, những kinh nghiệm, trải nghiệm và những dự định sắp tới sau hành trình khám phá thế giới gần ba năm.

Trong tương lai gần, anh Khoa dự định sẽ cho ra mắt một vài cuốn sách và làm phim tài liệu về chuyến đi của mình. Trong đó, cuốn sách đầu tiên là sách truyện kể về những câu chuyện trong chuyến đi này, cuốn sách này sẽ nhằm mục đích gây quỹ, với mục tiêu ít nhất 500 triệu đồng và sẽ gửi toàn bộ số tiền này giúp đỡ những trẻ em khó khăn.

“Khi mọi người hỏi tôi có khuyến khích các bạn trẻ đi như tôi không, tôi cũng trả lời là không ủng hộ và cũng không phản đối, mọi người hãy biết tự chịu trách nhiệm, nếu thực sự thích làm thì hãy làm và hãy nỗ lực hết mình để hoàn thành việc đó. Nếu bạn muốn có được thứ bạn chưa bao giờ có, bạn phải sẵn lòng làm những thứ bạn chưa bao giờ làm...”, anh Khoa chia sẻ.

Không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc -0
 Những tấm ảnh chụp với các bạn bè khắp hành tinh của Trần Đặng Đăng Khoa mà theo anh chia sẻ là món quà đáng giá nhất trong chuyến đi này và chắc chắn sẽ là những điều đáng nhớ nhất, đẹp đẽ nhất trong quãng đường đời còn lại. (Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA)
(Hết)

Xem thêm: 

Bài 1: Từ ước mơ tới Paris đến chuyến khám phá vòng quanh thế giới

Bài 2: Lên đường... lo sợ, phấn khích, cô đơn

logom-1609238405246.png

Ngày xuất bản: 31-12-2020

Nội dung và trình bày: BÔNG MAI

Ảnh: TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA