Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo.
Phát biểu tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, sau thời gian tạm dừng do dịch bệnh Covid-19, Bộ Công an tiếp tục duy trì họp báo hằng quý. Ngoài việc đưa thông tin nhanh chóng về các vụ án, Bộ Công an mong muốn các cơ quan báo chí phản ánh về chiến công, thành tích và hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trả lời câu hỏi liên quan vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết: Đây là vụ án lớn đã được cơ quan điều tra khởi tố từ tháng 10/2022.
Quá trình điều tra đã khởi tố nhiều tội danh.
Liên quan đến vụ án trên, tháng 3/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố 5 bị can thuộc Đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, các bị can đã tiến hành thanh tra nhưng khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước lại báo cáo SCB không vi phạm, dẫn đến công tác kiểm soát, xử lý đối với Ngân hàng SCB không kịp thời.
Trước đó, đầu tháng 10/2022, CO3 đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 32 người trong hai vụ án liên quan sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về diễn biến mới nhất việc xử lý sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Cục Cảnh sát hình sự và Công an 32 địa phương đã khởi tố 64 vụ án, 506 bị can về 7 tội danh khác nhau.
Nhóm đối tượng này đã trục lợi chính sách nhằm hưởng lợi với số tiền rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến sai phạm nêu trên là do công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm buông lỏng dẫn đến mất cân đối giữa số lượng trung tâm đăng kiểm và lượng xe cơ giới.
Vì lợi nhuận cao, các trung tâm đăng kiểm “mọc lên như nấm”. Để thu hút khách hàng, nhiều trung tâm hạ giá hút khách, thu lợi nhuận, cạnh tranh nhau. Bên cạnh đó, Cục đăng kiểm Việt Nam vừa làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đăng kiểm vừa quản lý một số trung tâm, vừa kinh doanh, dễ dẫn đến các tiêu cực...
Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm: Từ năm 2018 đến 2022, các đối tượng đã cấu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở 18 tỉnh, thành phố để kiểm định gần 40.000 xe cơ giới.
Trong số này có nhiều xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép. Điều này gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng môi trường và nhiều hệ lụy xã hội khác.
Lý giải tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, nhằm giải quyết vấn đề này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã điều động một số cán bộ đăng kiểm hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm.
Quy trình đăng kiểm phải thực hiện ở 5 công đoạn với 55 hạng mục kiểm tra. Tuy nhiên, trước đây xe đi vào chỉ kiểm tra một vài công đoạn. Hiện nay, đăng kiểm phải làm đủ quy trình do đó phải kéo dài thời gian, nên việc ùn tắc là không tránh khỏi.
Tại cuộc họp báo, Bộ Công an cho biết, vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo lần này đề ra nhiều quy định về Căn cước công dân, trong đó có việc đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, hiện nay có khoảng 31 nghìn người đang sinh sống ổn định, gốc Việt Nam nhưng không xác định được quốc tịch.
Luật căn cước công dân (sửa đổi) có quy định mở rộng đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và cấp giấy chứng nhận căn cước (người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam) là nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân và tăng cường công tác quản lý dân cư đang thực tế sinh sống ở nước ta.
Khi có căn cước công dân, những đối tượng này được Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng khi được cấp, sử dụng thẻ căn cước công dân; thuận lợi hơn khi tham gia các giao dịch dân sự. Nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống và thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.
Đối với cơ quan Nhà nước, chính sách này sẽ giúp quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.