Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn khá nhiều bất cập khiến dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp chưa được như kỳ vọng. Nếu không sớm khắc phục, những rào cản này sẽ cản trở sự phát triển của hệ thống khu công nghiệp và cả nền kinh tế.
Những rào cản chắn dòng đầu tư
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện có sáu nguồn vốn đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp. Đó là ngân sách nhà nước dưới hình thức vốn mồi, ưu đãi, miễn/giảm thuế, nhà ở xã hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; vốn nước ngoài gồm vốn vay, phát hành trái phiếu, bán cổ phần; vốn huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư; vốn khách hàng đặt cọc; vốn tín dụng và vốn tự có, vốn góp của doanh nghiệp.
Trong đó, dư nợ tín dụng cho các khu công nghiệp tính đến hết tháng 8/2023 đạt 65 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản và tăng hơn 41% so cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng khá nhanh nhưng quy mô còn thấp so với nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp trong cả nước.
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Minh Nghĩa, kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, hệ thống chính sách tài chính áp dụng cho các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay gồm 5 nhóm chính sách: Chính sách thuế phí; chính sách đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách đất đai và các chính sách khác. Tuy nhiên trong thực tiễn, vai trò của chính sách tín dụng còn tương đối mờ nhạt; nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ kéo dài, cho nên khó thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn khiến một số khu công nghiệp không được hưởng các chính sách ưu đãi. Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp cũng chưa thật sự thu hút… “Ngoài tài chính cho phát triển hạ tầng và đầu tư sản xuất, kinh doanh, việc cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân trong các khu công nghiệp cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, đây vẫn là mảng thị trường hầu như bị bỏ ngỏ”, ông Lê Minh Nghĩa nhận định.
Đáng lưu ý, đến năm 2030, khoảng 40%-50% địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới. Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2022, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 500 nghìn tỷ đồng và hầu như chưa có chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy tiếp cận vốn cho các khu công nghiệp sinh thái. Các chuyên gia kinh tế lo ngại nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời, rất có thể Việt Nam sẽ bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh đang trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Nhận diện những rào cản đang làm chậm dòng chảy tài chính đầu tư phát triển khu công nghiệp hiện nay, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch lâm thời Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (FAIP) cho biết, có ba vấn đề lớn, gồm: bất cập về thể chế, sự rườm rà của thủ tục hành chính và những hạn chế về trình độ nguồn nhân lực. Đây là những rào cản cần được hóa giải để khơi thông dòng chảy tài chính vào các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Theo TS Phan Hữu Thắng, 35 năm qua, Việt Nam đã phát triển được hệ thống các khu công nghiệp với nhiều thành công và những hạn chế, tồn tại chỉ là thứ yếu. Nhưng nếu không sớm khắc phục, những hạn chế này sẽ trở thành mối nguy hại cản trở sự phát triển của hệ thống khu công nghiệp, ảnh hưởng đến khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng với nền kinh tế tự cường có công nghệ cao, giàu bản sắc dân tộc.
Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ
Từ thực trạng 20 năm hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Đại An cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là công tác giải phóng mặt bằng. Theo quy định hiện hành, Nhà nước có trách nhiệm giao đất sạch cho nhà đầu tư nhưng trên thực tế, nhà đầu tư luôn phải đồng hành với Nhà nước để giải phóng mặt bằng và công đoạn này thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cùng quan điểm, luật sư Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế cho biết, trong giai đoạn đầu về phát triển khu công nghiệp, doanh nghiệp làm các thủ tục đầu tư xây dựng khu công nghiệp chỉ mất khoảng một năm nhưng gần đây, quá trình này kéo dài khoảng ba năm, ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cải cách thể chế là một trong những yêu cầu cấp bách đang đặt ra để đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong thời gian tới.
Đưa ra lời khuyên cho Việt Nam về định hướng phát triển khu công nghiệp, ông Yutaka Morimoto, cựu Giám đốc Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng lưu ý hai điểm. Đó là cần chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam với các nước trong thu hút đầu tư là gì (thí dụ như lợi thế nguồn nhân lực) và sớm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng vì các nhà đầu tư nước ngoài thường mong muốn có nguồn cung ứng ngay tại quốc gia nhận đầu tư.
Từ góc độ của chuyên gia về giải pháp tài chính, ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding (Australia) cho rằng, các nhà đầu tư đang quan tâm rót vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh thái vì đây là xu hướng không thể đảo ngược. Hiện Việt Nam đang thiếu các sản phẩm tài chính đa dạng và dịch vụ chuyên biệt cần thiết cho sự phát triển đang diễn ra. Thị trường cũng cần các chính sách tín dụng cấp tiến, thân thiện với các nhà phát triển và dự án đầu tư. Do đó, Chính phủ cần cởi mở hơn nữa đối với hoạt động của các Quỹ đầu tư nước ngoài.
Để huy động được nguồn vốn lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm tới, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Việt Nam cần có những thay đổi căn bản trong việc khơi thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo TS Cấn Văn Lực, các giải pháp cần xúc tiến triển khai là sớm hoàn thiện thể chế; đẩy nhanh tốc độ rà soát và tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các dự án bất động sản khu công nghiệp; quyết liệt thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được duyệt và tăng tốc giải ngân đầu tư công để nâng cấp hạ tầng kết nối các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa tiêu chí khu công nghiệp sinh thái với những chính sách ưu đãi, sớm giải quyết những tồn tại trên thị trường tài chính; đa dạng hóa các định chế tài chính bất động sản để khơi thông các kênh huy động vốn.
Phát triển khu công nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Hiện cả nước có 414 khu công nghiệp, trong đó có bốn khu chế xuất được thành lập tại 61/63 địa phương với tổng diện tích đất tự nhiên gần 128.688 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 89.126 ha và có 26 khu kinh tế cửa khẩu và 18 khu kinh tế ven biển. Đến nay, 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư