Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 với chủ đề Nâng cao giá trị nông sản đã chính thức khai mạc sáng 23-11 tại TP Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia 1899. Cùng tham dự có Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Tham dự chuỗi sự kiện của diễn đàn có hơn 1.000 lượt đại biểu thuộc các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, trên 30 đoàn quốc tế dọc tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, ASEAN, Trung Quốc và một số đoàn từ châu Âu, hơn 50 chuyên gia trong nước và quốc tế các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, logistics, công nghệ 4.0…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn.
Đặt mục tiêu kỳ vọng “khơi thông dòng chảy logistics”, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề về chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu hướng phát triển của công nghệ số. Diễn đàn Logistics 2019 tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistic hành lang kinh tế Đông Tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistic và đặc biệt nhận diện và hiến kế các giải pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistic nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam. Diễn đàn Logistics 2019 cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối chuỗi giá trị tạo nền tảng bền vững nâng cao giá trị đóng góp của logistics trong GDP cả nước trong những năm tới.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thường xuyên, phối hợp chặt chẽ trong điều hành hoạt động logistic; nhất là trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistic để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu đặt ra. Cần chú trọng triển khai mang tính thực chất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng chỉ đạo mang tính nhất quán xuyên suốt quá trình phát triển ngành logistic. Thời gian tới, đây sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistic với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững ở nước ta.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; Tập trung nghiên cứu, xây dựng một Chiến lược tổng thể đi đôi với một Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 để thực hiện chủ trương kết nối toàn diện với các nước trong khu vực, cần tập trung xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistic có năng lực cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển bền vững thị trường logistic ở cả trong nước và khu vực.
Theo Báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24-7-2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ ba trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Word Bank thực hiện việc xếp hạng chỉ số hoạt động logistic trong thập niên vừa qua.
Trong thời gian qua, ngành logistic có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistic hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistic đạt khoảng 30 - 35%. Sự phát triển của ngành vận tải và logistic đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về định hướng phát triển ngành logistic không chỉ tăng trưởng quy mô về tài chính, vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistic, phải tham gia các chuỗi, khả năng và tính liên kết. Thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, chúng tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistic cả nước đối thoại với các bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistic trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, trước hết là hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; thúc đẩy kết nối phát triển logistic dọc các hành lang kinh tế chính và giải pháp tận dụng hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ trong logistic để tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí logistic.
Phải phát triển logistic thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế khác. Để thực hiện được mục đích này, cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ ở ba cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp trong phát triển ngành dịch vụ logistic.