Trong đó, có những vấn đề được đề cập như: chính sách hỗ trợ không đến được với doanh nghiệp, gánh nặng thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sự thiếu thống nhất giữa các đạo luật,... hiện đang là những bất cập phổ biến đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Do đó, việc sớm "khơi thông" những điểm nghẽn hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đây cũng là mong muốn thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp.
Chồng chéo trong thực thi
Theo VCCI, trong năm 2022, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có một số "dòng chảy" chính, như: các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt.
Các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy...
Năm 2022, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 636 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 12 luật của Quốc hội, ba pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ.
So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản được đánh giá đều có xu hướng giảm.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc cắt giảm các văn bản, thủ tục, điều kiện trong kinh doanh; các chính sách, điều hành của Nhà nước đã ứng phó tốt với tác động của kinh tế thế giới một cách hợp lý và khá linh hoạt.
Thí dụ, cắt giảm hai lần các loại thuế về thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ mức 20% về mức 10% để kiềm chế giá xăng dầu nhằm kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19; gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại,...
Đồng thời, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch khác cũng đang tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp rất nhiều doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Điều này cho thấy, công tác xây dựng thể chế, chính sách vẫn được các cơ quan nhà nước thực hiện tích cực, công phu và cẩn trọng hơn trước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Ban Pháp chế thuộc VCCI, chúng ta ghi nhận Chính phủ tạo thuận lợi đáng kể cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn còn một số vấn đề phát sinh cần nhìn nhận lại trong cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách như: "hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của doanh nghiệp trúng đấu giá, các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ,...".
Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, gây ảnh hưởng khác đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang phản ánh khá nhiều về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành điểm nghẽn của môi trường đầu tư.
Có hiện tượng khi gặp sự việc tiêu cực tác động đến thị trường, phản ứng đầu tiên của các cơ quan quản lý là "siết chặt" dù chưa có đánh giá kỹ tác động của biện pháp này lên thị trường.
Do đó, bên cạnh việc doanh nghiệp cần dự báo được sự thay đổi của quy định pháp luật thì họ rất lo ngại vấn đề rủi ro pháp lý. Bởi vấn đề rủi ro pháp lý cao sẽ đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh trở nên khó khăn, kém thuận lợi hơn.
Giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp
Trên thực tế, Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục những bất cập về chính sách, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng.
Chẳng hạn, năm 2020, Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát 11 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh hay ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành một luật, sửa tám luật về kinh doanh để gỡ vướng cho một số hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, những hoạt động này chỉ mang tính chất "giải quyết tình huống", sửa chữa một vài "khiếm khuyết" ở "phần ngọn" mà chưa xem xét tổng thể từ "gốc rễ" của vấn đề trong hệ thống văn bản pháp luật.
Theo điều tra của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. Cách đây chín năm, tỷ lệ này đạt khoảng 15,8%, nhưng đến năm 2021, tỷ lệ chưa đến 5%.
Khi chia theo lĩnh vực kinh doanh cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có mức độ dự đoán được thấp nhất sự ảnh hưởng pháp luật đến sản xuất, kinh doanh.
Chỉ có 31% số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết, có thể "luôn luôn" dự đoán được sự thay đổi, nhưng có đến 43% số doanh nghiệp "không bao giờ" dự đoán được.
Chia sẻ về sự lúng túng của doanh nghiệp với các luật tác động trực tiếp tới hoạt động đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, riêng đầu tư bất động sản có khoảng 12 luật tác động trực tiếp, nhưng các luật lại có cách xử lý không thống nhất cho nên các dự án, doanh nghiệp và cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó, không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo luật.
Thí dụ, Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt, trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất, không khác gì "đánh đố" doanh nghiệp.
Hay với Luật Đất đai quy định phải nộp 100% số tiền mới được cấp sổ hồng nhưng Luật Nhà ở thì cho 95% cũng được. Để dẫn đến tình trạng này là do bộ nào cũng ưu tiên luật của mình được giao soạn thảo.
Các luật đều thòng một câu "nếu có mâu thuẫn, khác các luật khác thì áp dụng theo luật này". Với doanh nghiệp và người dân thì không biết nên theo luật nào.
Như vậy, đang có những rủi ro về mặt pháp lý, sự chồng chéo, vướng mắc trong cơ chế về soạn thảo văn bản pháp luật.
Hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô lớn được ví như những con tàu trọng tải nặng, không thể phanh gấp.
Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu những giải pháp nhằm giảm rủi ro pháp lý bằng cách không có thay đổi đột ngột, cực đoan trong ban hành và thực thi chính sách.
Dẫu biết tính ổn định của pháp luật rất quan trọng, nhưng trong bối cảnh các điều kiện kinh tế-xã hội nếu có sự thay đổi liên tục, không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật cũ, mà cần phải thường xuyên theo dõi, điều chỉnh có lộ trình để các doanh nghiệp thích nghi, nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc cho phù hợp hơn.
Mỗi chính sách khi điều chỉnh nên được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ.
Đặc biệt, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và cam kết quốc tế có liên quan.
Từ đó, góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh và "khơi thông" các "điểm nghẽn" chính sách cho doanh nghiệp trong thời gian tới.