Khơi sức trẻ từ Luật Thanh niên

Sau nhiều năm triển khai, Luật Thanh niên năm 2005 đã hoàn thành tốt vai trò hướng đến một lực lượng đặc thù, có vai trò then chốt trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020 với hàng loạt sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm cụ thể hóa, phát huy tối đa nguồn lực thanh niên. Ðể Luật Thanh niên năm 2020 nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt, cụ thể của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là lực lượng cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên.

Thành viên Ðoàn đại biểu Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tham dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 19 tại thành phố Xô-tri (LB Nga).
Thành viên Ðoàn đại biểu Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tham dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 19 tại thành phố Xô-tri (LB Nga).

Bài 1: Luật dành riêng cho thanh niên

Năm 2005, Luật Thanh niên lần đầu được Quốc hội khóa XI ban hành, giúp xác lập cơ sở pháp lý trong triển khai chính sách nhà nước về thanh niên và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ. Sau nhiều năm triển khai, Luật đã đạt nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc.

Thành tựu và thực trạng

Trong tất cả các thời kỳ, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi thanh niên là lực lượng đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên với tư cách là văn bản chuyên biệt đầu tiên hướng đến đối tượng thanh niên, có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng nhằm xác lập cơ sở pháp lý trong bảo đảm thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên trong đời sống, xã hội; tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, thực hiện các chính sách về thanh niên; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước.

Sau một thời gian dài thi hành Luật, đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá khẳng định: Luật Thanh niên đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, có vai trò thể chế hóa quan điểm của Ðảng, Hiến pháp năm 1992 về thanh niên cũng như công tác thanh niên. Từ thời điểm Luật Thanh niên năm 2005 được ban hành, nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách đối với thanh niên, công tác thanh niên đã có những chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần chăm lo, bồi dưỡng, hỗ trợ tốt và thiết thực hơn vào sự phát triển của thanh niên; phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thông qua việc thực hiện Luật, các cấp bộ đoàn, cán bộ, đoàn viên nhận thức đầy đủ hơn về quyền, nghĩa vụ của thế hệ trẻ, trách nhiệm của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đối với thanh niên, góp phần chăm lo tốt hơn cho thanh, thiếu niên bằng cách tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều cơ chế, chính sách cụ thể. Nhờ đó, thanh niên ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, quan tâm hơn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; hình thành ý thức vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội; nhiệt huyết, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Có thể khẳng định, Luật Thanh niên năm 2005 đã mang lại rất nhiều tác động tích cực đến đời sống xã hội, trở thành căn cứ pháp lý để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển thanh niên và công tác thanh niên. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ những hạn chế cơ bản trong tổ chức thi hành, công tác tuyên truyền, phổ biến, thực thi, kiểm tra, giám sát thực hiện... Xét cả tổng thể và chi tiết, có thể nhận thấy nhiều thiếu sót của Luật trên các lĩnh vực như quyền, nghĩa vụ của thanh niên; quản lý nhà nước về công tác thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; biện pháp xử lý vi phạm quy định trong Luật... Các bất cập này ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn trong bối cảnh toàn bộ hệ thống chính trị nỗ lực không ngừng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tận dụng triệt để các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tích cực triển khai thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử...

Thực tế, sau nhiều năm ban hành Luật Thanh niên năm 2005, nhiều người vẫn không hề biết tới sự tồn tại của Luật. Thậm chí, không ít cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tỏ ra lúng túng khi nhắc đến luật dành riêng cho giới trẻ, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Một số sinh viên, cựu sinh viên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - cơ sở giáo dục chuyên về công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, thừa nhận không hề biết Luật Thanh niên trước khi ngồi ghế giảng đường. Qua hàng trăm tiết học tại Học viện, họ mới bắt đầu có khái niệm về luật này, nhưng nhìn chung vẫn không nắm được các chính sách, quy định liên quan trực tiếp đến bản thân có trong Luật. Ðáng chú ý, số lượng cuộc thi, hoạt động tuyên truyền về Luật Thanh niên năm 2005 tại Học viện còn ít, chưa đủ "công suất" cũng như sức hút để phổ biến Luật rộng rãi trong những cán bộ đoàn chuyên trách tương lai. Khảo sát nhanh của chúng tôi ở một số địa phương, đơn vị cho thấy, Luật hầu như chưa tiếp cận được thanh niên và cả lực lượng cán bộ đoàn, hội. Ở những vùng sâu, vùng xa, tình trạng này càng trở nên phổ biến đối với các đối tượng thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Thanh niên năm 2005 của T.Ư Ðoàn đã thừa nhận nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai Luật như: nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng xã hội, cán bộ đoàn, hội, đoàn viên, thanh niên về Luật Thanh niên chưa đầy đủ, chưa xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thanh niên. Nhiều thanh niên chưa biết, chưa hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ của thanh niên quy định trong Luật, thậm chí chưa biết có Luật Thanh niên. Các cấp bộ đoàn, cán bộ, đoàn viên còn lúng túng trong tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định của Luật, nhất là những quy định chưa có hướng dẫn hoặc chậm hướng dẫn. Trong khi đó, một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan công tác thanh niên lại chậm được tháo gỡ. Một số quy định trong Luật không còn phù hợp trước những vấn đề nảy sinh liên tục trong thực tiễn, khiến hiệu lực của Luật bị giảm. Không ít quy định còn mang nặng tính động viên, khuyến khích chứ chưa đưa ra được cơ chế, chế tài bảo đảm thực hiện cũng như nguồn lực dành cho các chính sách về thanh niên. Ði sâu vào phân tích tính thực tế, hiệu quả của Luật Thanh niên năm 2005, TS Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Nội vụ nhận định: Nội dung Luật còn chung chung, hình thức, nặng về "hô khẩu hiệu". Một số quy định chưa đủ mạnh để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, chưa nêu bật được quyền, nghĩa vụ của thanh niên, thiếu chế tài bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện Luật. Ðáng chú ý, Luật chỉ dừng lại ở mức kêu gọi, khuyến khích trách nhiệm từ phía Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội đối với thanh niên, "quên mất" những bổn phận của thanh niên đối với quốc gia, dân tộc và chính bản thân.

Có nghiên cứu khác cho rằng, Luật Thanh niên có phạm vi, đối tượng liên quan đến hầu hết lĩnh vực với mục đích đòi hỏi sự vào cuộc với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm cao từ không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà còn của toàn xã hội, nhưng một số bộ, ngành, địa phương lại chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao, dẫn đến chậm trễ, thiếu sót trong ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương coi công tác thanh niên đơn thuần là hoạt động phong trào, thuộc trách nhiệm của riêng Ðoàn Thanh niên. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy tình trạng chính các cấp bộ đoàn cũng chưa đầu tư công sức, chất xám trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên đến đoàn viên, thanh niên và các đối tượng liên quan. Tài liệu tuyên truyền về Luật còn ít, nội dung sơ sài, chưa sâu, thiếu sáng tạo, chưa đa dạng, chưa được "phân nhánh" phù hợp các đối tượng thanh niên khác nhau, đặc biệt là thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Công tác phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền sau giám sát triển khai Luật cũng chưa được chú trọng, thiếu hiệu quả. Ðồng chí Ðặng Thế Lực, Bí thư Ðoàn Thanh niên Trường đại học An Giang chia sẻ: Có những cấp ủy, chính quyền địa phương nghiễm nhiên coi những gì liên quan tới thanh niên đều thuộc trách nhiệm của tổ chức đoàn, hội. Ngược lại, không ít cơ sở đoàn, hội lại thụ động, có tư tưởng "Luật phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền". Thế nên, Luật Thanh niên năm 2005 rất khó tiếp cận các đối tượng thanh niên cụ thể vì bản chất không bên nào chủ động triển khai thi hành.

(Còn nữa)