Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022):

Khởi sắc trên quê hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt

NDO - Suốt cả cuộc đời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành hết tâm huyết để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước giàu đẹp, trường tồn. Đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn luôn đau đáu mong muốn người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình...
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo mới trên quê hương Vũng Liêm. (Ảnh: BÁ DŨNG)
Diện mạo mới trên quê hương Vũng Liêm. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Những dịp về thăm quê nhà huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người dân, nghe bà con nói và đã định hướng những cách làm nông nghiệp mới giúp người dân địa phương vươn lên khá giả. Nhiều người dân quê hương ông gọi ông bằng tên gọi thân thương, đậm chất Nam Bộ: Bác Chín.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Vũng Liêm là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, gồm 20 xã và 1 thị trấn. Thời gian qua, Đảng bộ huyện Vũng Liêm tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực tế, sản xuất ở địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc.

Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, quê hương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là một trong những địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống yêu nước. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Trung Hiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật, kinh tế-xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã đã được nâng cấp, mở rộng.

Trung Hiệp cũng thực hiện có hiệu quả các chương trình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân bằng nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên các điều kiện thực tế địa phương. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Trung Hiệp đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Kỷ niệm 100 ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người dân chúng tôi ai cũng nô nức. Chính quyền địa phương và người dân cùng nhau chỉnh trang lại diện mạo mới cho quê hương của bác Chín. Tôi chưa một lần được gặp bác Chín nhưng những gì bác để lại cho quê hương, chúng tôi luôn trân quý. Nhờ bác Chín mà nhiều ấp trong xã đã có điện và giờ điện đã thắp sáng cả làng quê.

Ông Nguyễn Văn Tư, ấp Kinh Ngay, xã Trung Hiệp

Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp Dương Văn Tuấn, cho biết: “Tiếp nối truyền thống và những lời bác Chín mỗi khi về địa phương căn dặn, Đảng ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng xã Trung Hiệp ngày càng giàu đẹp. Xã đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác thế mạnh đặc sản của địa phương, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân...”.

Luôn khắc ghi lời bác Chín

Khắc ghi những lời căn dặn tâm huyết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê nhà, Đảng bộ huyện tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, tiến hành quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững. Từ đó, giá trị nông nghiệp, thủy sản của huyện không ngừng tăng lên; năm 2021 đạt hơn 4.100 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so năm 2005. Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích năm 2021 đạt 181 triệu đồng/ha, tăng gấp 5 lần so năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 45,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 8 lần so năm 2005.

Huyện đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản và thị trường tiêu thụ nông sản, như: Mô hình sản xuất cánh đồng lớn, cánh đồng lúa chất lượng cao, sản xuất lúa hữu cơ... với diện tích 4.100ha; mô hình trồng dưa hấu không hạt luân canh trên đất lúa kết hợp bao tiêu sản phẩm, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người dân.

Huyện triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất, diện tích vườn cây ăn trái đặc sản, nhất là hình thành vùng chuyên canh, sản xuất quy mô tập trung được chứng nhận VietGAP..., như: Bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, xoài. Hiện, tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện là 10.477ha (chiếm 43,06% diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Diện tích trồng rau màu năm 2021 là 4.000ha, tăng gấp 1,5 lần năm 2005.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng quy mô trang trại và hộ gia đình; tận dụng đất bờ kênh, đất trồng lúa kém hiệu quả trồng hơn 862ha cỏ, phát triển mạnh đàn bò đến năm 2021 hơn 31.500 con, tăng gần 2 lần so năm 2005.

Hiện, đàn heo của huyện hơn 90.000 con; đàn gia cầm 1,4 triệu con; diện tích nuôi thủy sản 2.000ha, sản lượng tôm, cá 20.000 tấn (năm 2021). Hằng năm, tận dụng rơm của hơn 3.000ha sản xuất lúa để trồng nấm, lợi nhuận bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/ha rơm.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong huyện nhận thức sâu sắc, có kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo sát, đúng với chủ trương của Đảng và tình hình thực tế địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện có 14/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (có 4 xã nông thôn mới nâng cao, 3 ấp nông thôn mới kiểu mẫu); phấn đấu đến năm 2025, huyện Vũng Liêm có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vũng Liêm đạt đô thị loại IV và đô thị văn minh.

Huyện triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất, diện tích vườn cây ăn trái đặc sản, nhất là hình thành vùng chuyên canh, sản xuất quy mô tập trung được chứng nhận VietGAP..., như: Bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, xoài. Hiện, tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện là 10.477ha (chiếm 43,06% diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Diện tích trồng rau màu năm 2021 là 4.000ha, tăng gấp 1,5 lần năm 2005.

Ở nông thôn, đường giao thông được xây dựng, nâng cấp cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông tiêu thụ hàng hóa của người dân.

Hiện, toàn huyện có 100% đường huyện, 59,28% đường liên ấp và 46,18% đường liên xóm được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia và tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy ở khu vực đô thị đạt 99%, khu vực nông thôn đạt 91%; tỷ lệ rác thải được thu gom ở đô thị đạt 98,5%, ở nông thôn 80%; nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng 79,85%...

Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm Lê Văn Lập cho biết, những lời căn dặn tâm huyết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với quê hương Vũng Liêm luôn được Đảng bộ và nhân dân địa phương khắc ghi và toàn tâm, toàn lực thực hiện, xem đó là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Theo đó, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ dựa trên nền tảng nông nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng.

Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ dân trí; thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... Tất cả hướng đến mục tiêu đưa huyện Vũng Liêm phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với truyền thống Vũng Liêm anh hùng, cái nôi của Khởi nghĩa Nam Kỳ, quê hương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt...