Khôi phục trình thức Hát cửa đình và hệ thống âm luật chuẩn hát Ả đào

NDO -

NDĐT – Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, sau tám tháng cùng với các nghệ nhân, đào nương…, anh cùng các cộng sự đã khôi phục thành công trình thức Hát cửa đình, một trình thức trong hát Ả đào đã mai một 60 năm nay. Đồng thời, nhà nghiên cứu và các nghệ nhân cũng đã thành công trong việc nghiên cứu âm luật, xây dựng một hệ thống lý thuyết chuẩn mực nghệ thuật cổ điển của hát Ả đào và tập huấn cho một nhóm đào kép, quan viên theo đúng và đầy đủ chuẩn mực này.

Khôi phục trình thức Hát cửa đình và hệ thống âm luật chuẩn hát Ả đào

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, anh bắt đầu nghiên cứu về âm luật trong hát Ả đào từ tháng 9-2014 cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX, nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc Ả đào ở cả hai không gian: cửa đình và ca quán. Người trực tiếp thụ giáo nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ theo hệ thống âm luật chuẩn này là NSƯT Đỗ Quyên của CLB Ca trù Hải Phòng. Sau bốn tháng miệt mài học tập, đến ngày 14-1-2015, trình thức hát cửa đình của nhạc Ả đào cổ điển lần đầu tiên đã chính thức được khôi phục thành công sau 60 năm vắng bóng.

Từ tháng 2-2017, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã bắt đầu tập huấn học nhạc cho nhóm hát Ả đào Phú Thị theo hệ thống âm luật. Từ tháng 8, nhóm học viên này tiếp tục phục dựng các thể cách Hát cửa đình cổ điển lần thứ II. Ở đây, bên cạnh vốn bài bản học từ thầy Nguyễn Phú Đẹ, chúng tôi căn cứ vào tư liệu phục chế của các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban. Họ là những bậc tài danh của một gia đình/ dòng họ Ả đào nổi tiếng ở giáo phường thuộc Vĩnh Phúc xưa kia.

Bên cạnh lớp đào kép, từ cuối tháng 8-2017, dự án của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng đã cũng chính thức đào tạo một lớp quan viên Ả đào theo đúng chuẩn mực cổ điển của thời hoàng kim lịch sử. Nhưng khác với lối học cổ truyền, tương tự như đào kép, các quan viên khóa tập huấn cũng học đánh trống chầu theo phương pháp tiếp cận mới. Có nghĩa họ được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản... Từ đó nhanh chóng “đốt cháy giai đoạn”, nắm bắt các sơ đồ khuôn thước cổ điển để có thể điểm chầu một cách mẫu mực.

Buổi trình diễn báo cáo sẽ diễn ra vào ngày 14-11 tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (32 Hào Nam- Hà Nội).