Ðất, rừng của làng là thiêng liêng, không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế. Ngày xưa, sở hữu rừng của một làng gồm có các loại rừng: Rừng đã thành đất thổ cư; rừng sản xuất (khu rừng dân làng khai thác làm rẫy); rừng sinh hoạt (nơi dân làng tìm lấy những thứ cần thiết cho mọi sinh hoạt của mình như mật ong, dây mây, rau ăn, con thú để săn bẫy, cây gỗ làm nhà); rừng thiêng (nơi trú ngụ của các vị thần, không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn). Tất cả các loại rừng đó đã hợp thành không gian sinh tồn, đồng thời tạo nên một không gian xã hội.
Có rừng thì có làng, cư dân các buôn làng sống trong “tâm thế” rừng như là làng nằm trọn trong không gian đại ngàn. Rừng với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, là hệ sinh thái mà còn là cội nguồn của đời sống tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người. Trong thẳm sâu tâm hồn của họ, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng với rừng, họ coi cây rừng đúng như một sinh vật sống, cũng có linh hồn, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau.
Người Tây Nguyên sống theo “đạo đức của rừng”, vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng. Mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên bơ vơ, tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng. Nương náu dưới tán rừng, cư dân rừng đã tạo ra một hệ minh triết hòa hợp theo lý lẽ của rừng; vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, nhân văn và vô cùng thực tế.
Ngày nay, kết cấu làng có nguy cơ tan rã. Rừng đang dần mất. Các dòng sông bị chặn. Cơ cấu dân cư đảo lộn. Tập quán sống dựa vào tự nhiên ít dần cùng với sự thay đổi phương thức canh tác. Ðó là những nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ khó cưỡng về văn hóa bản địa. Mất rừng và làng, hệ thống giá trị đó không còn biết bấu víu vào đâu. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng hình như đang lơi lỏng, tuột dần theo nhịp sống hiện đại.
Bởi vậy, muốn khôi phục cả một không gian văn hóa ngàn đời qua mà đồng bào từng sáng tạo, đắp bồi và trao truyền thì phải khôi phục “tâm thế” rừng để phát triển bền vững Tây Nguyên. Còn khôi phục bằng cách nào thì cần phải suy nghĩ để tìm ra những giải pháp, phương thức thích hợp - bởi đó chính là căn cốt của sự phát triển bền vững…