Khởi nghiệp từ nhu cầu thực tế

Các dự án xuất sắc tại Vòng chung kết cuộc thi “IU Startup Demo Day” năm 2024 do Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, khiến Ban giám khảo bất ngờ. Nhiều ý tưởng được đánh giá cao khi tập trung khai thác yếu tố nhân văn, tác động tích cực đến cộng đồng, bên cạnh sự chỉn chu, thiết thực của sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm E-MOTION đang trình bày về dự án cải tạo xe lăn tay.
Nhóm E-MOTION đang trình bày về dự án cải tạo xe lăn tay.

Ngôi vị quán quân cuộc thi năm nay thuộc về nhóm E-MOTION với dự án “Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện”. Đây là kết quả phối hợp của năm sinh viên đến từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Quốc tế cùng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án ra đời nhằm mục đích nâng cấp xe lăn thông thường thành xe lăn điện, thông qua giải pháp tích hợp hệ thống pin và động cơ điện vào bộ phận khung sườn. Động cơ này được thiết kế đặc biệt để có thể lắp vào bất kỳ mẫu xe lăn thường nào, giúp người khuyết tật thoải mái di chuyển mà không cần dùng lực tay. Đối tượng khách hàng mà nhóm triển khai dự án khởi nghiệp này hướng đến là người khuyết tật có thu nhập trung bình, sở hữu sẵn xe lăn truyền thống và làm công việc phải di chuyển nhiều như bán vé số dạo, bán hàng rong...

Tiết kiệm chi phí, tăng tính linh hoạt, nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật là điều mà các sinh viên tham gia dự án này quan tâm. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm cơ bản đã hoàn chỉnh; tuy nhiên, nhóm cho biết sẽ tiếp tục chỉnh sửa và bổ sung thêm một số tính năng nhằm tăng thêm tiện ích cho người dùng. Dự kiến, sản phẩm hoàn thiện sẽ ra mắt vào quý I năm 2025. “Việc tạo cơ khớp gắn đơn giản để bất kỳ người khuyết tật nào cũng có thể tự thao tác trên xe của mình sẽ gia tăng tính an toàn cho người sử dụng.

Thời gian tới, nhóm sẽ lắp thêm GPS giúp gửi được thông tin định vị và phát hiện, cảnh báo té ngã đến thân nhân của người khuyết tật. Trước khi triển khai dự án, chúng tôi khảo sát rất kỹ và nhận ra rằng, hiện nay thị trường xe lăn cơ vẫn còn nhiều, người khuyết tật còn rất phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ người khác khi di chuyển. Việc tự mua thêm mô-tơ điện lắp vào thì giá thành khá cao, không phải ai cũng tiếp cận được. Do vậy, đây có thể được xem là giải pháp khả thi giúp tái chế nguồn xe lăn tay hiện có, bổ sung thêm tiện ích cho người khuyết tật với chi phí tiết kiệm tối đa”, sinh viên Bùi Trí Dũng, Trưởng nhóm E-MOTION chia sẻ.

Sử dụng công nghệ hiện đại nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và sáng tạo nhiều tính năng mới cũng là yếu tố giúp không ít sản phẩm khởi nghiệp “ghi điểm” tại cuộc thi năm nay. Dự án của nhóm THE PLANTAE mang tên “Ứng dụng nhận diện và cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là dược tính và đánh giá sức khỏe thực vật” là dự án bảo đảm tốt các nội dung này, tạo được sự thích thú cho người tiếp cận.

Ứng dụng The Plantae sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện thực vật. Người dùng chỉ cần cung cấp hình ảnh một cái cây, ngay lập tức ứng dụng sẽ so sánh ảnh với cơ sở dữ liệu lên tới 33.300 mẫu. Nếu tìm thấy kết quả phù hợp, ứng dụng sẽ hiển thị những thông tin liên quan đến loại thực vật đó và các đặc điểm nổi bật hay điểm cần lưu ý. Đáng chú ý, The Plantae là ứng dụng đầu tiên chú trọng vào dược tính của thực vật và được thiết kế tối ưu cho thị trường Việt Nam. Với hơn ba năm phát triển trên hệ điều hành Android, The Plantae đã có hơn 113.000 người dùng tại 229 quốc gia.

“IU Startup Demo Day” là cuộc thi khởi nghiệp thường niên do Trường đại học Quốc tế tổ chức nhằm tìm kiếm, hỗ trợ tiếp cận thị trường cho những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các sản phẩm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của sinh viên, nghiên cứu viên. Trong lần tổ chức thứ sáu này, cuộc thi quy tụ 22 dự án đến từ tám khoa/bộ môn của trường, kết hợp cùng sinh viên thuộc sáu trường đại học khác trên địa bàn thành phố. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế, đại diện Ban tổ chức cho biết:

Các dự án bước vào vòng chung kết xoay quanh lĩnh vực thực phẩm, công nghệ chế tạo, chăm sóc sức khỏe, Internet vạn vật… mang nhiều giá trị xã hội tích cực, hướng đến xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Đa số các hồ sơ dự thi năm nay đều đã có sản phẩm cơ bản từ khi tham gia tuyển chọn vòng sơ khảo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc thi và tính cạnh tranh giữa các dự án. Trong khuôn khổ cuộc thi, Ban tổ chức đã triển khai nhiều buổi tập huấn về kỹ năng lập mô hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, lập chiến lược quảng bá thương hiệu và trình bày về sản phẩm nhằm mang đến kiến thức nền cần thiết cho sinh viên trước khi bước vào môi trường khởi nghiệp.

Cùng với đó, các buổi định hướng, tham quan doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu thị trường và thực hiện sản phẩm mẫu cũng được tiến hành. Nhà trường còn kết nối với hơn 30 giảng viên, nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia với vai trò cố vấn dự án, tập huấn viên và Ban giám khảo cuộc thi. Ba dự án đạt giải cao nhất cuộc thi năm nay đã giành vé tham gia hoạt động ươm tạo của trường để sớm hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh quá trình phát triển trong thực tế. Bên cạnh đó, các dự án thuộc tốp 8 đều được hỗ trợ phát triển và có cơ hội đại diện nhà trường tham dự các cuộc thi, sự kiện các cấp khác nhau trong thời gian tới.