Điểm độc đáo trong cách khai thác tư liệu để dựng lên những trang viết thấm đẫm chất sử, đậm đà hương vị dân gian của Phạm Vân Anh, đó là chị luôn tìm ra những nhân vật và hình ảnh, câu nói đắc địa của họ làm điểm neo lại trong tâm trí người đọc và khơi lên những cảm thức về sự sống và tình yêu thương.
Tác giả đã lần theo dòng sông đã mang lại sự sống cho hơn 60 triệu dân dọc hai bên sông Mê Kông-dòng sông Mẹ chảy qua 6 quốc gia, từ thượng nguồn với tên gọi sông Trát Khúc trên địa phận Trung Quốc, qua các quốc gia Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Bằng giọng văn khi mềm mại dịu dàng, khi trào lộng mạnh mẽ như sóng cuộn, khi hào sảng sang trọng như gió núi mây ngàn, Phạm Vân Anh đã tạo nên những trang bút ký hấp dẫn người đọc, để một lần dấn bước cùng tác giả, trải nghiệm dòng sông kỳ vỹ, vượt núi, rừng, băng đồng bằng tìm về với biển.
Bằng ngữ vực rộng và sự sáng tạo biến ảo trong ngôn từ, Phạm Vân Anh xây dựng nên tính cách dòng Mê Kông, khi hung dữ, khi hiền hòa, trầm lắng, khi ưu tư cùng với thân phận nổi chìm. Dẫu biết khí phách dòng sông là vô cùng vô tận, nhưng vẫn hoài đó nỗi lo canh cánh trước những xâm hại khó lường mà sông phải chịu trước thói tham lam của con người. Theo bước chân tác giả, độc giả được khám phá những điều thú vị về sông nước, và vùng văn hóa ven sông. Ngạc nhiên sao khi người Lào và người Thái Lan gọi sông là “Mẹ của Nước”. Cách gọi vừa lạ lùng, lại thân thương gần gũi, mà xiết bao yêu thương, thể hiện một triết lý chân thực, sự biết ơn cội nguồn. Qua mỗi nước, dòng sông Mẹ có thể mang tên khác nhau, nhưng đều mang lại sự sinh sôi, đều là cội nguồn sự sống và đáng được trân trọng, đáng được trả ơn.
Với năng lực viết và con mắt, tư duy của nhà khảo cứu, Phạm Vân Anh đã đưa ra những nhận định sắc sảo, những phân tích để làm nổi bật chức năng, lịch sử và văn hóa của dòng Mê Kông. Những nguồn lợi kinh tế mà dòng sông mang lại cho nhân dân các nước, đặc biệt là dân Lào, Campuchia, Việt Nam cũng được tác giả mổ xẻ kỹ lưỡng, nhất là vựa cá khổng lồ hào phóng từ Biển Hồ đổ về sông Tiền, sông Hậu đã nuôi sống và tạo nên một phong cách sống đặc trưng sông nước nhiệt đới gió mùa qua nhiều đời. Qua góc nhìn của tác giả, người đọc càng thêm yêu kính dòng sông Mẹ Mê Kông, dòng sông chở vốn sống cho tương lai.
Sau bài ký về dòng Mê Kông, là đến những bài ký về đất và người cùng những "đặc sản" văn hóa như sử thi, đồng thoại, huyền thoại về lịch sử đánh giặc giữ đất, giữ nước của 40 tộc người trên khắp các vùng biên cương nước ta. Mỗi tộc người ở một vùng đất, mỗi người dân ở một quốc gia đều có niềm tự hào riêng mình, có căn cốt văn hóa riêng, nhưng điểm chung là đều mong muốn được sống an ổn trong hòa bình, đều khao khát được hạnh phúc và sống hài hòa với nhau trong đoàn kết, hữu nghị. Họ sinh sống với nhau như anh em, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi. Cho dù có những biến cố lớn trong lịch sử với những nỗi đau và mất mát khó lòng chịu đựng, nhưng các dân tộc có chung dòng Mê Kông, chung đường biên giới ngày nay đều gắng sàng lọc, gìn giữ lại những tình cảm thân thiện, những yêu thương thuần khiết quý giá, để làm vốn sống chung trong tương lai.
Với 24 bút ký văn học và ghi chép có nội dung về tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước Việt Nam và Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan… trong quá khứ cũng như hiện nay, cuốn sách “Theo dấu phù sa” của tác giả Phạm Vân Anh phản ánh sâu về tình đồng chí, láng giềng bền chặt, sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước láng giềng. Một nhà văn đã đi khắp nẻo biên cương như chị đã cho thấy một thông điệp quan trọng là muốn đến với người dân tộc trước hết phải hiểu và tôn trọng văn hóa của họ. Văn hóa chính là yếu tố đầu tiên để hiểu biết và gắn kết con người với con người, dân tộc nọ với dân tộc khác. Hầu như tất cả các bút ký trong tập, ở phần này phần khác, tác giả đều đã điểm xuyết tới phong tục, tập quán, ngôn ngữ trong văn hóa của những tộc người khác nhau.
Thông qua những câu chuyện xúc động, giản dị và chân thực, bút ký chứa đựng thông điệp về tình người, tình thân tộc, dân tộc giữa các quốc gia có chung đường biên giới, các nét văn hóa đặc sắc, chân dung một số nhân vật điển hình có đóng góp quan trọng trong công tác đối ngoại trên nhiều lĩnh vực như đoàn kết, chiến đấu giành độc lập dân tộc, hợp tác bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, kết nghĩa giữa nhân dân và lực lượng vũ trang, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, phòng chống các loại tội phạm…, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển. Đặc biệt là đã giúp bạn đọc hiểu thêm về lịch sử của các tộc người trên biên giới qua quá trình thiên di suốt nhiều thiên niên kỷ đã giao hòa tình thân tộc, dân tộc ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc-Campuchia. Đồng thời làm nên sự đa dạng sắc màu văn hóa tộc người cho mỗi quốc gia.
Qua các bút ký, chúng ta được gặp những nhà “ngoại giao chân đất” được Phạm Vân Anh dành cho tên gọi thân thương là “Lũy thành hồn hậu”. Họ là những nông dân sinh sống nhiều đời trên biên giới của 4 nước như các ông Hai Đời, Hai Bé, Pon Sà-ron, Đoi-ty Chăn… trên biên giới Việt Nam-Campuchia được bà con yêu quý vì đã có công xây dựng tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Hay các ông Vi Văn Tít, Dông Nụ, Thào Khắt, Hồ Ray, A Dói… đã tạo nên những bài ca đẹp về tình anh em trên biên giới Việt Nam-Lào. Rồi còn có những người như trưởng thôn Vương Chính Phúc, Bí thư Tô Minh Phương, ngư dân Sìn Dỉ Gai, Lương Đại Bân cũng đã đoàn kết bảo nhau sản xuất, canh tác để xây dựng biên giới chung ngày một phát triển trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Cũng trong tập bút ký này, còn có những câu chuyện vô cùng xúc động của những chiến sĩ làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ và chuyên gia Việt Nam tại Lào và Campuchia. Bút ký “Tìm đồng đội bên những người đồng chí” là một bài ca đầy ân tình, thể hiện sự kết nối từ quá khứ tới hiện tại của tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương. Các bút ký “Khi Đảng viên là sứ giả hữu nghị”, “Líu lo một triền rừng”, “Khiêu Rưm, người bạn quý”, “Một đôi vai, ba trọng trách”… đã thể hiện khá rõ nét mối quan hệ trân quý trên nhiều lĩnh vực giữa những cán bộ, người dân của Việt Nam và nhân dân và lực lượng chức năng các nước láng giềng trong giai đoạn hiện nay.
Khá thú vị là câu chuyện về những cán bộ kiểm lâm của Việt Nam-Trung Quốc suốt 15 năm qua được giao trọng trách bảo vệ loài vượn Cao vít quý hiếm ở miền rừng Trùng Khánh (Cao Bằng) và Tịnh Tây (Quảng Tây). Tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm của những con người ấy đã góp phần làm hồi sinh một loài linh trưởng tưởng chừng như đã bị tuyệt diệt và để chúng ta nhận ra rằng “Ngước mắt nhìn lên thấy non xanh ngàn tuổi không già, tiếng hót của loài vượn quý cứ thoắt gần, thoắt xa như chơi trò đuổi bắt. Và thấm thía, rằng trái đất không nên chỉ là quê nhà của con người, mà phải là quê nhà của tất cả muôn loài”.
Qua mỗi chương sách, chúng ta còn được tác giả dẫn đến một vùng đất biên giới, khi thì ở nước ta, khi thì bên nước bạn, và được giới thiệu cặn kẽ lịch sử vùng đất có gắn với những truyền thuyết xa xưa, liên quan đến sự phát triển của nhân dân hai nước sinh sống bên đường biên giới, cùng những nét văn hóa tương đồng, những câu chuyện gắn kết với nhau qua từng giai đoạn biến cố với chiến tranh, loạn lạc, ly tán…
Tôi đặc biệt chú ý đến những câu chuyện về số phận những con người do biến cố lịch sử, buộc phải rời vùng đất quê hương, sang sinh sống nơi đất bạn ngay vùng biên giới. Trong một số chương trong cuốn sách này, tác giả Phạm Vân Anh đã dành “đất” rộng rãi để kể về những số phận ly hương quanh vùng biên giới đó. Phải chăng, dọc dài đường biên giới gập ghềnh, phận người cũng có những khúc quanh, cũng có những biến đổi bất thường. Và để chống chọi lại những thách thức đó, có lẽ chỉ có tình yêu thương vượt qua mọi khoảng cách, vượt qua mọi đường biên giới, là có thể giúp con người nương tựa vào nhau, gắn kết vững bền để trường tồn.