Năm 2005, ngành múa Việt Nam kỷ niệm 45 năm ra đời hai vở kịch múa lớn Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (của lớp biên đạo cục Tuyên huấn, do Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị biểu diễn) và Tấm Cám (nhóm biên đạo: Minh Hiến, Phùng Nhạn, Danh Thân và Ðoàn ca múa nhân dân trung ương).
Hai tác phẩm này đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ðó cũng là dấu mốc hình thành của nghệ thuật kịch múa Việt Nam. Những năm tiếp theo, hàng loạt kịch múa tiếp tục ra đời, với dung lượng khác nhau, bám sát đời sống và mang hơi thở thời đại, lưu dấu ấn trong lòng đông đảo quần chúng nhân dân: Bả khó, Bà mẹ miền nam, Rừng thương núi nhớ, Chị Sứ, Lửa hang treo...
Một số vở kịch múa mang tính kinh điển, nổi tiếng thế giới cũng được các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ dàn dựng và biểu diễn thành công, như Hồ thiên nga, Ziden, Xpactac... Các nghệ sĩ múa gọi đó là thời hoàng kim của nghệ thuật múa Việt Nam, mà đỉnh cao là nghệ thuật kịch múa mang phong cách dân tộc.
Những tưởng, con đường phát triển của nghệ thuật kịch múa Việt Nam sẽ tiếp tục thăng hoa. Song, sau những khởi đầu đầy phấn chấn và thành công ấy, những bước đi của kịch múa Việt Nam mỗi ngày lại... đuối dần.
Ðến nỗi, nhìn lại chặng đường hơn 40 năm phát triển, NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng đành phải ngậm ngùi nhìn nhận: "Con đường xây dựng nghệ thuật kịch múa Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi, sáng tạo để tự khẳng định mình thành một nghệ thuật tầm cao có nội dung sâu sắc và nghệ thuật hấp dẫn, thuyết phục đối với khán giả. Ðó là một món nợ tinh thần đối với lịch sử vinh quang của dân tộc chúng ta".
Tuy vẫn chưa hoàn toàn vắng bóng trong đời sống tinh thần của xã hội, nhưng số lượng tác phẩm kịch múa được đưa ra trình diễn những năm gần đây ngày càng ít ỏi, lác đác: Ngọn lửa, Ngọc trai đỏ, Trương Chi...
Nguyên nhân một phần chính bởi sự đòi hỏi về nguồn kinh phí không nhỏ để xây dựng một vở kịch múa hoàn chỉnh. Kịch múa cũng đòi hỏi một đội ngũ biên đạo, nhạc sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, trong khi, đây lại là một loại hình kén khán giả, không phù hợp với những chương trình lưu diễn dài ngày... Quá nhiều yếu tố để các đơn vị nghệ thuật ngại ngần đối với kịch múa, khi họ đang phải bươn chải, đối đầu với cuộc mưu sinh. Kịch múa, bây giờ, là cuộc chơi "xa xỉ" của một số nghệ sĩ tâm huyết với nghề, mong muốn vươn đến những tầm cao của nghệ thuật.
Thế mà, theo quan niệm của nghệ thuật hiện đại, ngày nay, người ta đánh giá sự phát triển của nghệ thuật múa một đất nước dựa trên hai bình diện: sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật múa dân gian, dân tộc và sự phát triển của nghệ thuật kịch múa ở đất nước đó.
Kịch múa được xem là thể loại nghệ thuật đỉnh cao, tổng hợp các thể loại nội dung và thể loại hình thức của nghệ thuật múa. Ðó là nghệ thuật mang tính hàn lâm, được ví như nhạc giao hưởng đối với âm nhạc, hay tiểu thuyết đối với văn học.
Tìm hướng đi để kịch múa khẳng định được vai trò của mình trong đời sống tinh thần xã hội vẫn là điều trăn trở của các nghệ sĩ múa từ nhiều năm nay. Một liên hoan kịch múa toàn quốc được tổ chức năm 2001, hội tụ nhiều quan điểm, phong cách làm kịch múa của các nghệ sĩ, xới lên nhiều cuộc tranh luận, tìm tòi...
Cho đến tận bây giờ, vấn đề mà các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu múa quan tâm, trăn trở vẫn là phương hướng xây dựng ngôn ngữ kịch múa Việt Nam đương đại. Từ bước khởi nguồn, cho đến hiện nay, kịch múa Việt Nam đều được xây dựng theo hướng đi sáng tạo từ cội nguồn múa dân tộc, kết hợp những yếu tố kỹ thuật, kinh nghiệm của nghệ thuật kịch múa nước ngoài, cụ thể là hệ thống múa cổ điển châu Âu, múa dân tộc Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Pháp... và gần đây là ngôn ngữ múa đương đại của một số nước Âu - Mỹ mà các nghệ sĩ của ta có điều kiện tiếp xúc.
Nhưng để tạo lập được một ngôn ngữ riêng, có bản sắc cho kịch múa Việt Nam là vấn đề không đơn giản. Nhìn chung, quan điểm của những người làm nghề đều thống nhất với suy nghĩ tìm về vốn múa truyền thống của dân tộc. Nhiều chuyên gia nước ngoài có điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc đều rất thán phục sự phong phú, đa dạng của kho tàng nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Việt Nam.
Nhưng để sử dụng những chất liệu còn rất nguyên sơ đó phục vụ cho việc xây dựng một thể loại nghệ thuật có tính hàn lâm, lại là vấn đề không đơn giản. Ngay như việc chọn lựa hình thức nghệ thuật múa của dân tộc nào làm "xương sống" để phác họa bản sắc dân tộc Việt Nam đã đủ khơi lên những cuộc tranh luận không dễ "hạ màn"...
Xoay quanh vấn đề này, NSƯT Hoàng Hà đề cập thẳng việc nghiên cứu một hệ thống múa vốn đang bị lãng quên lâu nay, đó là hệ thống múa trong các hình thức sân khấu truyền thống dân tộc.
Theo ông, các hình thức ca kịch như tuồng, chèo đã đúc kết, sáng tạo nên những động tác mang nhiều tính biểu cảm về phong cách, tính cách và tâm lý nhân vật, về khả năng khắc họa những mâu thuẫn nội tâm và những xung đột ngoại tại bằng những hình thức ước lệ rất cao và đậm đà bản sắc dân tộc. Ðó chính là những nhân tố có thể nghiên cứu cấu tạo nên tính kịch trong xây dựng ngôn ngữ kịch múa... Hướng mở này nhận được sự đồng thuận của nhiều người làm nghề.
Kịch múa còn có những đòi hỏi khắt khe về đội ngũ biên đạo, diễn viên, nhạc sĩ. Mà những nhân tố này, theo NSND Minh Tiến, ở nước ta hiện nay, "đếm được trên đầu ngón tay", bởi các nghệ sĩ đều bị cuốn vào vòng quay nghiệt ngã của sân khấu thị trường, quen làm những tiểu phẩm, tiết mục múa minh họa, nhỏ lẻ. Chính sự dễ dãi, cẩu thả của các nghệ sĩ, cho ra đời quá nhiều "hàng chợ" đã làm giảm đáng kể lòng hứng khởi của công chúng đối với nghệ thuật múa, và kịch múa cũng bị "vạ lây".
Dựa trên những gì mà ngành múa Việt Nam đang có, có lẽ, chưa thể vội mơ về một mục tiêu xa xôi cho sự hưng thịnh của kịch múa Việt Nam trong một tương lai gần, mà hãy tạm bằng lòng theo những đề xuất của các nhà nghiên cứu và chính các nghệ sĩ: xây dựng những tác phẩm múa ngắn.
Cũng không nên đặt ra những chuẩn mực quá cao, mà phải chú trọng tính phổ cập, dễ hiểu, có sức hấp dẫn người xem. Ðiều cốt yếu là phải múa đẹp, âm nhạc hay, kết cấu hợp lý... Phải hấp dẫn được người xem đến với nghệ thuật múa nói chung, kịch múa nói riêng, rồi mới tính đến yêu cầu nâng cao tầm vóc của thể loại.
Cũng cần tính đến một bước đi song hành, là xem xét, chọn lọc để đầu tư dàn dựng những tác phẩm có tính đột phá, gợi mở để tạo bước phát triển. Nghĩa là, cần phải tiến hành song song cả "xây đỉnh" và "đắp nền" cho nghệ thuật múa dân tộc. Với kịch múa, những nhà hát cấp quốc gia sẽ là nơi nuôi dưỡng, tìm kiếm và đào tạo đội ngũ, cần được quan tâm đầu tư.
Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng bốn vở kịch múa chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ mười của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hy vọng, với tài năng và tâm huyết của các nghệ sĩ, công chúng sẽ được đón nhận những tác phẩm nghệ thuật có tầm cỡ, chất lượng, cũng như hy vọng về những bước phát triển mới của nghệ thuật múa Việt Nam.