Khởi động tuyến Metro số 2

Cùng với việc chuẩn bị khai thác thương mại tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) vào cuối năm nay, Ban Quản lý Ðường sắt đô thị thành phố đã khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), có chiều dài hơn 11km, tạo nền tảng bền vững để phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00

Dự án tuyến đường sắt đô thị Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4880/QÐ-UBND ngày 14/11/2019, với tổng mức đầu tư là 47.890,84 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD). Trong đó, giai đoạn 1 của dự án, từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Tham Lương (Quận 12) có tổng chiều dài khoảng 11,3km, với 9,3km đi ngầm và 2km đi trên cao, gồm 11 nhà ga, chạy dọc đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Trường Chinh.

Dự án đi qua các Quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại Quận 12 với diện tích 25ha. Dự án này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW), Ngân hàng Ðầu tư châu Âu (EIB) tài trợ và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố. Ðây cũng là một trong hai dự án đường sắt đô thị quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố.

Khởi động tuyến Metro số 2 ảnh 1

Mô hình nhà ga Tao Ðàn của tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương).

Phó Trưởng Ban Quản lý Ðường sắt đô thị thành phố Nguyễn Quốc Hiển cho biết: Giai đoạn 1 của dự án (đoạn Bến Thành-Tham Lương) được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía tây bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này. Ðồng thời, sự hình thành của tuyến Metro số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Dự án sẽ kết nối với tuyến Metro số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6, tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách dọc theo trục đông-tây vào trung tâm thành phố. Cũng theo ông Hiển, về lâu dài, tuyến Metro số 2 sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 (Bến Thành-Thủ Thiêm, Tham Lương-Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh-tây bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh hai khu đô thị mới của thành phố là khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị tây bắc Củ Chi, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.

Ðại diện Ban Quản lý tuyến Metro số 2 cho biết: Hiện công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 87% (508/586 trường hợp đã bàn giao mặt bằng). Trong đó, 5/6 quận (quận: 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú) bàn giao cho chủ đầu tư đủ 100% mặt bằng; 66 trường hợp còn lại thuộc Quận 3 hiện đang vướng mắc do liên quan đơn giá bồi thường. Ðể giải quyết vướng mắc này, trong tháng 4/2023, Chủ tịch UBND thành phố đã thành lập tổ công tác để tham mưu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án vào cuối năm 2023. Việc chuẩn bị mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến Metro số 2, hướng đến khởi công dự án vào năm 2025, đưa vào khai thác vào năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường, rút kinh nghiệm từ tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và các dự án đường sắt đô thị khác của các nước, việc bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu chính của tuyến Metro số 2 sẽ giúp thực hiện nhanh chóng công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tránh việc khiếu kiện, khiếu nại của các nhà thầu. Trên cơ sở đó, các nhà thầu chính sau này của dự án sẽ tiếp tục tiến hành việc xây dựng các hạng mục công trình chính của dự án (đào hầm công nghệ TBM, nhà ga ngầm, nhà ga trên cao…) được thuận lợi và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối ưu. Liên quan công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý Ðường sắt đô thị thành phố cho hay: Ðến nay, công tác lựa chọn nhà thầu thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản hoàn tất; do đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật này được Ban Quản lý Ðường sắt đô thị tổ chức khởi công xây dựng. Tổng chi phí cho toàn bộ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật được quản lý một cách hệ thống, thuận lợi, chủ đầu tư đã áp dụng mô hình BIM (mô hình thông tin công trình) ngay từ trong giai đoạn thiết kế. Việc áp dụng mô hình BIM đã góp phần giúp chủ đầu tư phát hiện xung đột giữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật từ rất sớm trong quá trình thiết kế, kịp thời đề xuất các biện pháp thi công phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. BIM sẽ được tiếp tục áp dụng trong giai đoạn quản lý thi công các công trình này, nghiệm thu và đến khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết: Trong tương lai, tại khu vực lân cận các nhà ga của dự án Metro số 2, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư triển khai việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) góp phần chỉnh trang đô thị, phát huy tối đa hiệu quả của dự án và nguồn lực đất đai… Ðây là một hình mẫu cho các dự án đường sắt đô thị triển khai trong thời gian tới theo tinh thần nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua.