Đây là chương trình do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) phối hợp với Báo điện tử VnExpress tổ chức. Giải chạy “Cùng miền Tây vượt hạn mặn” được triển khai trong bối cảnh mùa hạn mặn 2021 trở lại ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Cụ thể, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho tám tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.
Để tham gia chạy, những người tham gia phải truy cập địa chỉ: https://vrace.vnexpress.net/cung-mien-tay-vuot-han-man để đăng ký, từ nay đến ngày 28-4. Tổng thời gian mỗi người chạy là trong 21 ngày. Sau khi đăng ký giải chạy ảo "Cùng miền Tây vượt hạn mặn", các “runner” có thể chạy ngay và ghi nhận kết quả từ 0 giờ ngày hôm sau.
Bốn cự ly chạy từ: 10km, 21km, 42km, 100km, 150km phù hợp với điều kiện luyện tập và thể lực của nhiều đối tượng tham gia. Trong thời gian của giải, mỗi người có thể chạy không giới hạn số lần, miễn sao tích lũy đủ số quãng đường đã đăng ký, với tốc độ trung bình từ 3 phút/km đến 12 phút/km (pace 3:00 đến 12:00). Khoảng dao động của tốc độ cho phép người chạy bộ có thể vừa chạy vừa đi bộ khi cần thiết, do đó phù hợp với cả những người mới bắt đầu với môn thể thao này.
Với hình thức chạy tích lũy không giới hạn, chương trình dự kiến với 100.000 km đầu tiên, mỗi km “runner” hoàn thành tương ứng với 1.000 đồng hỗ trợ chương trình chống hạn mặn. Đồng thời, với 10.000 “runner” đầu tiên thì mỗi người chạy đăng ký tham gia tương ứng với một cây xanh (trị giá 100.000 đồng) được trồng tại miền Tây và một số tỉnh, thành phố phía nam từ nguồn tài trợ của Tổng công ty Điện lực miền Nam.
“Runner” cần tích hợp ứng dụng Strava với nền tảng của V-Race để ghi nhận kết quả sau mỗi lần chạy.
Kết thúc giải, Ban tổ chức sẽ tổng kết và vinh danh thành tích người chạy từ ngày 19-5 đến 19-6. Chứng nhận online, Huy chương online (chia theo từng cự ly đăng ký) dành cho những người đoạt giải sau khi hoàn thành thử thách sẽ là dấu ấn đẹp cho hành trình luyện tập của họ.
Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết, hoạt động hỗ trợ giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần có sự chung tay của cả cộng đồng, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội. Những hỗ trợ trực tiếp đến nhân dân vùng hạn mặn sẽ giúp họ tìm đúng cách và nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Điểm đến của "Cùng miền Tây vượt hạn mặn " là các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã chịu tác động của khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt năm 2020 và trước mắt là mùa hạn năm 2021. EVNSPC sẽ trực tiếp mang nước sạch và những thiết bị lọc nước trao quà đến bà con vùng hạn mặn; đồng thời, đồng hành cùng chương trình trồng hơn 10.000 cây xanh năm 2021. Bên cạnh đó, EVNSPC sẽ tiếp tục tham gia các chương trình xã hội khác với mục tiêu đồng hành trồng hơn 100.000 cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 hưởng ứng thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” của cả nước.
Chiến dịch này không chỉ góp phần hỗ trợ tinh thần, vật chất cho người dân miền Tây thông qua những bước chạy mà còn là cơ hội giúp “runner” duy trì thói quen tập luyện, tăng cường sức khỏe, lan tỏa tinh thần thể thao đến mọi người chung quanh.
EVNSPC nhận Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu
EVNSPC nhận được Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividends for Gender Equality - Lợi ích kinh tế từ bình đẳng giới), cấp độ ASSESS - Chứng chỉ này được phát triển bởi tổ chức EDGE Foundation (Thụy Sỹ).
Hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường bình đẳng giới và phát triển quyền năng phụ nữ, EVNSPC đã tích cực và nỗ lực phối hợp với Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) thực hiện đánh giá bình đẳng giới toàn cầu EDGE, bao gồm thực hiện các bước của quy trình đánh giá: công tác đào tạo, hướng dẫn các đơn vị, truyền thông tuyên truyền về lợi ích của chứng chỉ EDGE; thu thập dữ liệu; khảo sát người lao động…
Để nhận được chứng chỉ EDGE, EVNSPC đã trải qua quá trình khảo sát hơn 21.310 cán bộ công nhân viên trong đơn vị, bảo đảm đánh giá chính sách và thực thi bình đẳng giới theo các tiêu chuẩn của EDGE.
Toàn bộ quy trình này được kiểm toán và xác minh bởi Intertek - đơn vị kiểm toán độc lập của Anh Quốc, chi nhánh tại Việt Nam.
Trong các lĩnh vực được đánh giá, EVNSPC đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:
Dù đặc thù của ngành điện rất hiếm nữ nhưng nhân viên nữ tại EVNSPC đạt được tỷ lệ đánh giá hiệu quả năng suất làm việc cao tại tất cả các cấp;
90% nhân viên nam và nữ cho biết chính sách làm việc linh hoạt cũng như văn hóa EVNSPC giúp cho nhân viên có thể cân bằng được công việc và gia đình;
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán khi thực hiện kiểm toán hồ sơ tại EVNSPC cũng ghi nhận và đánh giá sự nỗ lực của EVNSPC nói riêng và EVN nói chung trong công tác bình đẳng giới.
Việc được nhận Chứng chỉ EDGE đã khẳng định các chế độ, chính sách của EVN nói chung và EVNSPC nói riêng hướng tới phát triển bình đẳng giới, cũng như thể hiện sự cam kết của lãnh đạo trong việc thúc đẩy công tác bình đẳng giới tại EVNSPC