Khởi động dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đang được thành phố lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để thẩm định, phê duyệt, nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7 này. Với nguồn vốn đầu tư được xác định lập mức kỷ lục, dự án gây nhiều băn khoăn trong dư luận.

Người dân xem bản vẽ quy hoạch chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 1 và đường Ðê La Thành đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ. Ảnh: TRẦN LONG
Người dân xem bản vẽ quy hoạch chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 1 và đường Ðê La Thành đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ. Ảnh: TRẦN LONG

Đường Vành đai 1 là đường trục chính đô thị, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông Thủ đô. Cùng với sự phát triển đô thị mạnh mẽ và gia tăng số lượng phương tiện giao thông, cải tạo mở rộng đường vành đai này là yêu cầu bức thiết. Từ năm 1999, UBND thành phố đã phê duyệt dự án này, nhưng do vốn đầu tư rất lớn, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn, cho nên phải chia từng đoạn để thực hiện. Năm 2010, đoạn từ Kim Liên đến Ô Chợ Dừa đã được thi công mở rộng xong; năm 2014 thành phố tiếp tục thông xe đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và năm 2016 hoàn thành đoạn Ô Ðông Mác - Nguyễn Khoái; còn lại đoạn cuối cùng từ Hoàng Cầu đến Voi Phục.

Năm nay, TP Hà Nội bắt đầu triển khai Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Ðược phê duyệt chỉ giới từ năm 2006, nhưng đến nay dự án mới có thể xây dựng báo cáo tiền khả thi. Do tính cấp thiết của dự án, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo tiền khả thi. Dự kiến, sau khi được phê duyệt, dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2018 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.

Theo kế hoạch, đường sau khi mở rộng sẽ có mặt cắt ngang 50 m, gồm sáu làn đường, chiều dài hơn 2,2 km, với điểm đầu là nút giao Hoàng Cầu (quận Ðống Ða) và điểm kết thúc là nút giao thông Voi Phục, khu vực cổng Trường đại học Giao thông vận tải. Ðường được thiết kế kiến trúc đô thị hai bên mặt phố và thi công đồng bộ các hạng mục kỹ thuật cấp, thoát nước, tường chắn, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ... Trên tuyến còn xây dựng hai cầu vượt trực thông tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và nút giao Nguyễn Chí Thanh; quy hoạch hệ thống cây xanh và bãi đỗ xe. Thành phố xác định đây là dự án nhóm A và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Nhiều người dân rất mong thành phố sớm khởi động dự án mở rộng đoạn đường này. Tuy nhiên, nghe thông tin dự án có tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng, trong đó hơn 80% là chi phí cho giải phóng mặt bằng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Bởi tính ra, trung bình mỗi ki-lô-mét đường phải chi phí hơn ba nghìn tỷ đồng, gấp nhiều lần so với chi phí đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu - vốn được đánh giá là "đắt nhất hành tinh" (dài 500 m, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng).

Giải đáp về mức kinh phí đầu tư dự án cao kỷ lục, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Vũ Hà cho biết: Trong tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng, kinh phí để giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân chiếm hơn 80% (ở mức 6.418 tỷ đồng). Phần kinh phí dành cho xây lắp khoảng 1.100 tỷ đồng. Ðoạn đường chạy qua địa bàn các quận Ðống Ða và Ba Ðình, là hai quận trung tâm, giá đất, cơ chế bồi thường, tái định cư đều cao. Dự kiến, dự án sẽ phải giải phóng mặt bằng, di dời 2.044 hộ dân; trong đó quận Ba Ðình có 1.241 hộ và quận Ðống Ða có 803 hộ. Nhu cầu tái định cư là 2.239 căn hộ, đã được bố trí tại khu Nam Trung Yên và Tây Nam Kim Giang 1. Ðể xác định tổng mức đầu tư, thành phố đã xem xét, cân nhắc nhiều phương án. Năm 2015, UBND thành phố đã chỉ đạo tạm dừng công tác chuẩn bị đầu tư cho đoạn đường từ Láng Hạ đến Voi Phục, đồng thời giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức nghiên cứu phương án điều chỉnh hướng tuyến nhằm tận dụng nền, mặt đường Ðê La Thành hiện nay để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, giảm kinh phí đầu tư dự án.

Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức công bố chỉ giới mở đường tuyến đường Vành đai 1 và đường Ðê La Thành, đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ, tỷ lệ 1/500 để người dân nắm rõ. Theo đó, đường Vành đai 1 có mặt cắt ngang điển hình 50 m, đường Ðê La Thành sẽ có mặt cắt ngang 17 m. Giữa đường Vành đai 1 và đường Ðê La Thành có dải đất rộng từ 8 đến 12 m, dự kiến xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, bãi đỗ xe. Ban cũng đã đề nghị thành phố cho phép tập trung nguồn lực để thực hiện trước hai cầu vượt tại nút Láng Hạ - Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh.