Trong tuyên bố chung, được đưa ra sau hai ngày họp tại Mỹ, các bộ trưởng của 14 nước tham gia đàm phán IPEF nhất trí cùng tìm cách tiếp cận mới và sáng tạo đối với các chính sách thương mại và công nghiệp, nhằm thực hiện một loạt mục tiêu kinh tế, tạo động lực mới cho các hoạt động kinh tế và dự án đầu tư trong khu vực.
Tại họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận định: Kết quả của hội nghị phản ánh sự đồng thuận và cam kết của các bên tham gia đàm phán về khuôn khổ hợp tác kinh tế mới trong khu vực. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh rằng, các nước tham gia đàm phán mong muốn thúc đẩy các sáng kiến tập trung vào vấn đề an ninh kinh tế, gồm cả năng lượng.
IPEF do Chính phủ Mỹ khởi xướng, được Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố hồi tháng 5/2022 và coi như sự tái cam kết của Washington với khu vực sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không như các hiệp định thương mại thông thường, IPEF không đề cập việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa thương mại, mà tập trung vào việc thiết lập các tiêu chuẩn mới và mức độ cao về kinh tế. Hiện có 14 nước tham gia đàm phán IPEF.