Khởi động chương trình Art In The Forest 2016 tại Flamingo Đại Lải Resort

NDO -

NDĐT - Chương trình Art In The Forest (nghệ thuật trong rừng) lần thứ hai- 2016 đã chính thức khởi động ngày 20-7. Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm tại Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc) với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc và hội họa đương đại Việt Nam, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình.
Các nghệ sĩ tham gia chương trình.

Trọng tâm của chương trình Art In The Forset 2016 (AITF 2016) là Tuần lễ nghệ thuật mùa thu trong tháng 10, với nhiều hoạt động nghệ thuật như khai trương không gian điêu khắc ngoài trời cùng các triển lãm hội họa, trình diễn nghệ thuật đương đại, âm nhạc. Trong khuôn khổ chương trình, để chuẩn bị cho tuần lễ này, trại sáng tác “Lưu trú nghệ sĩ điêu khắc AITF 2016” đã được khai trương từ ngày 20-7 và sẽ diễn ra trong ba tháng, cho đến tận cuối tháng 10. Các nghệ sĩ điêu khắc sẽ ở lại lưu trú và tham gia hoạt động sáng tác trong thời gian này tại Flamingo Đại Lải Resort.

Trại sáng tác năm nay có bốn điêu khắc gia tài năng từng đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế tham gia là: Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lượng, Khổng Đỗ Tuyền, Đàm Đăng Lại cùng nghệ sĩ điêu khắc người Nhật Bản Mu-cai Cát-xu-mi.

Nguyễn Ngọc Lâm là nghệ sĩ khá quen thuộc với những ai đang dõi theo sự phát triển của điêu khắc đương đại Việt Nam. Những tác phẩm của anh luôn mang trong mình sự chiêm nghiệm về cuộc sống, mối quan hệ không thể tách rời giữa thiên nhiên và con người trong trật tự tự nhiên. Không nằm ngoài mạch tư duy hiện tại và mang một tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, cụm tác phẩm mà Ngọc Lâm thể hiện ở AITF lần này là những tác phẩm điêu khắc có tên gọi “Những cái cây” khá bình dị, tưởng chừng như không mới, song hứa hẹn những góc nhìn sáng tạo mang đậm tính triết lý về thiên nhiên.

Hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Lê Lạng Lương là người tham gia nhiều công trình lớn của đất nước, bên cạnh việc tìm tòi trên con đường nghiên cứu thể nghiệm các sáng tác điêu khắc đương đại. Sau những sáng tác ở AITF 2015, anh tiếp tục tham gia trại sáng tác lần này với nhóm tác phẩm điêu khắc mới “Mưa nhiệt đới” mang đến người xem những khám phá mới. Điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền hiện cũng là cái tên đang “hot” trong thời gian gần đây đối với giới mỹ thuật, nhất là sau sự thành công từ triển lãm cá nhân của anh vào tháng 7-2015 tham gia AITF 2016 với cụm tác phẩm “Sự tác động”. Hiện tại, Khổng Đỗ Tuyền được giới nghề nhìn nhận là một trong những nghệ sĩ điêu khắc đương đại hàng đầu của thế hệ 7X.

Đàm Đăng Lại là một trong năm nghệ sĩ nhận được giải thưởng đặc biệt cho cụm tác phẩm “Cây và Mây” tại cuộc thi và triển lãm mỹ thuật Tháp JR Hokkaido năm 2004 của Nhật Bản với sự tham gia của 300 nhà điêu khắc đến từ các nước. Sống và làm việc tại xứ sở hoa anh đào từ hơn 10 năm nay, anh vẫn luôn trân trọng và thể hiện trong các tác phẩm của mình những đường nét, giá trị của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với quan điểm tác phẩm hiện đại luôn bắt đầu trên nền ý tưởng truyền thống. Tác phẩm của Đàm Đăng Lại đã tham gia triển lãm tại nhiều nước và được trưng bày tại không ít bảo tàng, không gian nghệ thuật của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Nhưng ước muốn mang tác phẩm về quê hương luôn thôi thúc mạnh mẽ trong anh và AITF 2016 là dịp để nghệ sĩ giới thiệu đến công chúng trong nước cụm tác phẩm “Cây Đại Lải” như một “ghi chép” về thiên nhiên bằng ngôn ngữ điêu khắc.

Trong kế hoạch dự án, bên cạnh mục tiêu định hướng tìm kiếm các nghệ sĩ trẻ tài năng, Ban tổ chức AITF 2016 đã mời một nghệ sĩ nước ngoài tham gia với tư cách nghệ sĩ danh dự của chương trình theo chủ đề từng năm. Đây là các nghệ sĩ tiêu biểu của nền nghệ thuật điêu khắc đương đại ở các nước. Năm nay, nhà điêu khắc của Nhật Bản Mu-cai Cát-xu-mi là một trong những nghệ sĩ như vậy tham dự AITF. Ông là tác giả của những tác phẩm điêu khắc lớn được đặt trưng bày cố định tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Ở tuổi 70, nhưng điêu khắc gia Cát-xu-mi vẫn làm việc với tinh thần và sức lực “của tuổi trẻ” và mong muốn tác phẩm của mình sẽ ghi được dấu ấn trong không gian “rừng nghệ thuật” của Flamingo Đại Lải.

Song hành với thời gian làm việc của trại sáng tác “Lưu trú nghệ sĩ điêu khắc AITF 2016”, hai họa sĩ trẻ Phạm Tuấn Tú và Trịnh Minh Tiến cũng bắt tay thực hiện các tác phẩm cho Triển lãm hội họa của không gian “Nghệ thuật trong rừng” trưng bày trong Tuần lễ nghệ thuật mùa thu tại Trung tâm hội nghị Opera Hall của Flamingo Đại Lải Resort. Hoạt động sáng tác của hai hoạ sĩ được tài trợ bởi Quỹ AITF dành cho những nghệ sĩ trẻ được lựa chọn trong năm. Phạm Tuấn Tú được đánh giá là “một hiện tượng” của mỹ thuật đương đại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Nghệ thuật của anh tạo nên sự ám ảnh về một thế giới khác thực tại và có phần liêu trai. Tác phẩm của họa sĩ trẻ tài năng này đã vượt qua 700 tác phẩm của 165 họa sĩ để giành giải nhất Cuộc thi tài năng trẻ hội họa năm 2010 do Quỹ Hỗ trợ và Phát triển văn hóa Đan Mạch tổ chức, gần đây là giải đặc biệt Cuộc thi chân dung tự hoạ Dogma 2012 và nhiều giải thưởng khác của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trong khi đó, Trịnh Minh Tiến là người đã tham gia sáng lập hai dự án nghệ thuật gây được tiếng vang trong giới hội họa là Tết Art và Real Art nhằm chia sẻ, kết nối các nghệ sĩ với nhau và với người hâm mộ nghệ thuật. Với 12 năm kinh nghiệm và thực hành trường phái nghệ thuật cực thực, họa sĩ sẽ giới thiệu với công chúng ở không gian “Nghệ thuật trong rừng” những tác phẩm thể hiện tư duy hội họa độc đáo và mới lạ.

Kiên trì bảo trợ và tạo dựng một không gian “Nghệ thuật trong rừng” như tên gọi của chương trình, các nhà đầu tư Flamingo Đại Lải Resort mong muốn tạo điều kiện và cơ hội để các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, thể hiện các ý tưởng giữa không gian thiên nhiên rộng lớn, góp phần vào sự phát triển của nền điêu khắc và hội họa nước nhà, đồng thời hy vọng nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng sống động ngoài trời, lưu giữ những tác phẩm của nghệ thuật đương đại Việt Nam.