Có thể nói, với mỗi người dân nước Việt, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, coi đó như một lời hịch, một lời hiệu triệu người người nhất tề như một đứng lên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết không cam chịu đói nghèo, lạc hậu và mong muốn hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh.
Cuộc kháng chiến chủ động, sáng tạo của dân tộc yêu chuộng hòa bình
“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Những dòng mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã cho thấy ngay ý nghĩa và tính chủ động, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xác định đường lối cũng như lãnh đạo toàn dân kháng chiến trước một kẻ địch không ngừng dã tâm phá hoại nền độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình của Việt Nam mà chúng ta phải mất hàng trăm năm mới đạt được.
Phân tích về tính chủ động, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xác định đường lối kháng chiến, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, niềm vui độc lập chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trên thực tế, không phải đến thời điểm mở đầu toàn quốc kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới xác định đường lối kháng chiến mà đã từng bước hình thành ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn.
Các dữ kiện lịch sử đã minh chứng cho điều này. Trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25/11/1945), Đảng xác định: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”. Trên cơ sở đó, Đảng chủ trương: “Động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp pháp triệt để”. Tiếp đó, ngày 19/10/1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất khẳng định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.
Tháng 10/1946, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ thị: “Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng, để phòng địch gây hấn. Phải làm sao khi địch tiến công, ta lập tức đánh trả ngay. Yêu cầu chiến lược đối với mặt trận Hà Nội là phải kìm chân địch một thời gian, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Phải huy động sức mạnh tiềm tàng của nhân dân thành phố vào cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô, đồng thời phải biết bảo toàn và bồi dưỡng lực lượng để kháng chiến lâu”.
Đầu tháng 12/1946, trước những hành động gây hấn và dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp, đặt dân tộc Việt Nam trước hai lựa chọn: một là, chịu khoanh tay cúi đầu làm nô lệ cho thực dân Pháp; hai là, đoàn kết đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập mới giành được. Trưa 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện gửi các khu ủy, tỉnh ủy với nội dung: giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác tôi hậu thư ấy. Như vậy, chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Trung ương chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Chiều 19/12/1946, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu. 20 giờ ngày 19/12/1946, Hà Nội đi đầu, nổ súng tấn công quân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Tối 19, rạng sáng 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia.
Nhận định về tính chủ động, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát động và lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên nhấn mạnh: “nhờ vậy, đã khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh của chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.
Phát huy tổng hợp sức mạnh dân tộc hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường
Khí thế của những ngày toàn quốc kháng chiến vẫn là bản anh hùng ca nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; đồng thời, tiếp thêm sức mạnh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Giá trị, khát vọng của dân tộc Việt Nam là muốn sống trong hòa bình nhưng hòa bình phải trên nguyên tắc là độc lập, tự do. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chính vì độc lập, tự do cho dân tộc mà Đảng lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám để thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Và để bảo vệ nền độc lập, tự do dân tộc đó, mà Đảng, nhân dân ta đã vượt qua những thử thách hết sức chông gai, khắc nghiệt, để vừa kháng chiến ở Nam Bộ, vừa kiến quốc.
Khi thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định chủ trương dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. Để bảo vệ giá trị cao cả đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Cũng chính giá trị cao cả đó, mà khi Lời kêu gọi toàn quốc được ban ra, đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào và khát vọng hòa bình của toàn thể nhân dân để quyết tâm giữ vững nền độc lập; đoàn kết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Liên hệ đến giai đoạn đổi mới hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ nhấn mạnh, độc lập, tự do cho dân tộc là một nội dung cốt lõi của hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hay nói cách khác, độc lập, tự do, khát vọng hòa bình chính là sợi chỉ đỏ kết nối các giai đoạn cách mạng của Đảng.
Tiếp nối hành trình độc lập, tự do, khát vọng hòa bình của dân tộc, trong giai đoạn đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập rất cần được phát huy lên một tầm cao mới. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là “đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là chất keo sơn để tiếp tục củng cố, quy tụ thành sức mạnh nội sinh của dân tộc nhằm xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; bảo đảm vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hay nói như Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, muốn đi tới đích đặt ra trước tiên phải có khát vọng. Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách…; là động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát vọng, mà cụ thể ở thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.