Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)

Khơi dậy khát vọng phát triển trên đất sen hồng

Ấn tượng về sen khi tới Đồng Tháp thật dịu dàng từ góc phố tới làng quê, từ bờ kênh lên dải phân cách. Có lẽ chẳng nơi nào, sen thấm trong từng nhịp sống như ở mảnh đất này. Bất luận ở đâu, biểu tượng bông sen cũng trở thành tâm điểm, vừa mang ý nghĩa, giá trị văn hóa truyền thống, vừa thể hiện sự mạnh mẽ vươn lên và tỏa sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình Làng thông minh được kỳ vọng thay đổi diện mạo nông thôn ở Đồng Tháp.
Mô hình Làng thông minh được kỳ vọng thay đổi diện mạo nông thôn ở Đồng Tháp.

Tự hào là đất sen hồng, nơi bông sen và tên Bác được ngợi ca là biểu tượng đẹp nhất, tỉnh Đồng Tháp đã nhân lên nguồn lực tinh thần bằng kết quả hiện thực, lan tỏa trong đời sống. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn lực nội sinh khơi dậy khát vọng phát triển.

Mảnh đất nghĩa tình, năng động và sáng tạo

Hiện thực hóa nội dung Chuyên đề toàn khóa về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, cùng chuyên đề hằng năm, các cấp ủy, đơn vị ở Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, lan tỏa ngày càng hiệu quả phong trào thi đua yêu nước.

Năm 2022, với chuyên đề học Bác trong xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, các cấp ủy đã vận dụng tư tưởng, quan điểm Hồ Chí Minh trong kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc và phẩm chất tốt đẹp của con người Đồng Tháp, khởi phát nhiều việc làm thiết thực, giàu tính nhân văn. Văn hóa và con người vừa là nền tảng, mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Nhiều người có con theo học tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp luôn nhớ đến thầy Lương Đức Tài với sự biết ơn. Tốt nghiệp đại học năm 2018, thầy giáo trẻ Lương Đức Tài đã tình nguyện công tác tại ngôi trường dành cho những em nhỏ thiệt thòi, với mong muốn giúp các em tự tin, sống lạc quan như bạn bè cùng trang lứa.

Thấu hiểu những hạn chế của trẻ trong học và sử dụng ngôn ngữ, thầy Tài tự nghiên cứu, sáng tạo nhiều bài giảng phù hợp với khả năng tiếp thu của các em, sử dụng linh hoạt các phương pháp như: chữ cái ngón tay, đọc hình miệng, giao tiếp tổng hợp... Các bài giảng của thầy được áp dụng trong toàn trường và giới thiệu trên Tạp chí Lý luận-Khoa học giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để giúp các em hòa nhập nhanh hơn, thầy Tài luôn gây dựng các phong trào, vừa khích lệ học tập, vừa rèn luyện kỹ năng sống. Chương trình "Chuyến xe kết nối" gồm các hoạt động thể thao, văn nghệ, giao lưu, tăng tương tác với các bạn ngoài trường đã giúp các em hòa nhập và mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Thầy xây dựng kênh Youtube của trường để cập nhật những clip hướng dẫn ngôn ngữ ký hiệu, giúp giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn liên quan thiết bị số, cung cấp kiến thức xã hội đối với người khiếm thính nói riêng, người khuyết tật nói chung.

Nghĩa tình quân-dân vùng biên là mô hình sáng tạo, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và chung sức xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp đã giúp nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên cải thiện cuộc sống.

Hằng tháng, mỗi đơn vị của Tiểu đoàn nhận tặng 2 gia đình một suất quà gồm 20kg gạo và 200.000 đồng. Đơn vị thường xuyên thăm hỏi, cử lực lượng đến giúp người dân sửa chữa nhà cửa, giúp người già neo đơn công việc nội trợ. Kinh phí thực hiện mô hình được trích từ quỹ tăng gia sản xuất và "Hũ gạo tiết kiệm" của đơn vị. Đơn vị đã hỗ trợ hằng tháng cho 12 gia đình; sửa chữa nhà giúp 145 hộ, trở thành địa chỉ tin cậy giúp người dân vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân là công dân tiêu biểu vùng đất sen hồng; những "Sinh viên 5 tốt", "Sao Tháng Giêng"; những việc làm lan tỏa tinh thần nhân văn, như "Trạm dừng chân nghĩa tình"; "Kết nối yêu thương-Người có giúp người khó"; "Chuyến xe san sẻ yêu thương"; "Phiên chợ nghĩa tình"…

Mỗi câu chuyện hay, mỗi hành động đẹp là sự kết nối, truyền cảm hứng để từng cá nhân sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn, cùng nhau xây dựng xã hội phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, con người. Đến nay, đã duy trì hơn 1.300 mô hình hay, cách làm hiệu quả; có 7.085 tập thể, cá nhân được các cấp ủy biểu dương, khen thưởng trong học tập và làm theo Bác; trong đó, 2 tập thể và 4 cá nhân tiêu biểu được tặng Bằng khen của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, chính quyền vì dân

Để thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng cho biết, tỉnh đặt ra yêu cầu tập trung thực hiện tốt 3 nội dung: học tập, làm theo và nêu gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy luôn tâm niệm, học và làm theo Bác, trước hết bản thân phải tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân. Qua các nhóm Zalo, đồng chí cung cấp thông tin thời sự, tình hình địa bàn, chủ trương của cấp ủy đến tất cả đảng viên, đồng thời triển khai nhiệm vụ của chi bộ.

Đồng chí khởi xướng phong trào đảng viên nuôi heo đất tiết kiệm để hỗ trợ học sinh nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tích cực vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường; vận động người dân trong ấp tham gia hàng trăm ngày công lao động, bắc mới 3 cây cầu bê-tông, xây dựng 2 công trình thắp sáng đường quê; vận động người dân vệ sinh môi trường, trồng hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Để giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, Đảng bộ huyện Cao Lãnh thực hiện mô hình Sổ tay đảng viên làm theo gương Bác theo phương châm "tự soi, tự sử".

Cán bộ, đảng viên phải tự phê bình và phê bình thường xuyên, cam kết không suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện trách nhiệm nêu gương, có nhận xét đánh giá của chi ủy trong từng tháng. Đến nay, Đảng bộ huyện Cao Lãnh có 46/46 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc, với 5.631 đảng viên, đã thực hiện nghiêm túc.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ghi nhận những cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Điển hình như Huyện ủy Cao Lãnh tập trung đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ; thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, giải quyết công việc qua môi trường mạng, không sử dụng văn bản giấy; ứng dụng công nghệ số để đồng hành, phục vụ nhân dân trong sản xuất và đời sống.

Huyện ủy Thanh Bình xác định phương châm "Chi bộ làm trọng tâm; cán bộ, đảng viên làm chủ thể; nâng cao đạo đức công vụ làm cốt lõi; sự hài lòng của nhân dân làm thước đo" để học và làm theo gương Bác. Huyện ủy Tháp Mười tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, hướng tới sản xuất sạch, an toàn…

Chuyển đổi số tạo động lực mới

Trở lại Đồng Tháp, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở mảnh đất này, không chỉ là khu vực đô thị năng động, mà ngay trong tư duy phát triển "tam nông". Từ khu vực hành chính, cơ quan công vụ đến khu vực nông thôn, đã hình thành những thói quen mới, cách làm mới, đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Người nông dân đang dần thay đổi thói quen canh tác truyền thống, chuyển sang tham gia các quy trình sản xuất an toàn, theo chuỗi, có liên kết và sử dụng công nghệ số từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; từng bước vận hành mô hình làng thông minh.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, Nguyễn Phước Cường, mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng đời sống dân cư vùng nông thôn, nâng cao thu nhập; thành phố Cao Lãnh trở thành nơi đáng sống, có không gian đô thị văn minh, không gian xanh, nông nghiệp đô thị hiện đại. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số đã thay đổi căn bản lối tư duy cũ, như "Bản đồ Quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh", giúp truy xuất nguồn nông sản. Địa chỉ nông dân trong mỗi vùng trồng được gắn tọa độ GPS nhằm kết nối đến nhà vườn, tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin, tăng cơ hội kết nối, liên kết. Hay mô hình "Xây dựng dữ liệu bản đồ nông sản" của ấp Tân Hậu và ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, kết nối giữa người sản xuất với người kinh doanh...

Các "Tổ công nghệ số cộng đồng" được thành lập ở tất cả các xã, phường. Đây là lực lượng huy động sức mạnh toàn dân, gần dân nhất, giúp người dân cập nhật kiến thức, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Kế thừa giá trị vốn có, kết quả đạt được, Đồng Tháp tiếp tục hướng đến xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, lấy chuyển đổi số tạo lực "đòn bẩy" để công tác điều hành năng động, quản lý hiệu quả. Trong giai đoạn mới, cải cách hành chính vẫn là điểm nhấn theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chú trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ số.

Hành trình và nỗ lực thay đổi miền quê sông nước đã tạo bứt phá, được ghi nhận qua việc các chỉ số: cải cách hành chính (PAR-Index); hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chỉ số chuyển đổi số (DTI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh, đều được xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm số cao của cả nước.

Thực hiện phương châm lấy người dân là trung tâm, chính sách và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là đột phá, có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và sự đồng hành của toàn dân, là các yếu tố bảo đảm sự thành công cho mục tiêu phát triển của Đồng Tháp.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh là tiền đề, là trụ cột củng cố niềm tin của nhân dân, từ đó tập hợp, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân chung sức cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đã đề ra.