Khơi dậy khát vọng cống hiến của người lao động

Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 4 năm 2023 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện bất ngờ, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam) - gương mặt đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 4.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam) - gương mặt đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 4.

Biến khó khăn thành động lực, 167 cá nhân vinh dự được xét tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 4 đã nỗ lực, vượt khó, thực hiện thành công 808 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, tổng giá trị làm lợi 2.787 tỷ đồng.

Nhiều sáng kiến đã tiếp cận tiến bộ khoa học-công nghệ mới, góp phần khắc phục các đứt gãy trong sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiết giảm chi phí, tạo ra sản phẩm mới, có thể thay thế các sản phẩm nước ngoài với chi phí thấp hơn trong bối cảnh tiêu dùng thế giới giảm mạnh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 4 năm 2023 nhấn mạnh vào tiêu chí có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, được người sử dụng lao động hoặc cấp có thẩm quyền công nhận. Dù khác nhau về lĩnh vực công tác, tuổi đời, tuổi nghề, điều kiện làm việc, hoàn cảnh gia đình..., song các cá nhân được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này đều có một điểm chung, đó là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất.

Trong 167 cá nhân có những gương nổi bật, đặc biệt xuất sắc như: Nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần May Minh Anh Hoa Văn Tân (Nghệ An) là người có số lượng sáng kiến nhiều nhất trong số cá nhân đạt Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023, với tổng số 157 sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất sản phẩm, đem lại giá trị làm lợi 1,373 tỷ đồng/năm, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo các năm 2020, 2022.

Hay thợ lò Lê Văn Biên, công nhân khai thác than trong hầm lò bậc 5/5-Phân xưởng Khai thác 7, Công ty Than Thống Nhất. Từ năm 2018-2023, anh Biên có sáu sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn đem lại giá trị làm lợi 6,7 tỷ đồng. Liên tục từ năm 2018 đến năm 2022 anh Biên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn năm 2018; năm 2020 nhận danh hiệu "Vinh quang thợ mỏ", "Thợ mỏ sáng tạo" của Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021.

Trò chuyện với những gương mặt xuất sắc nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, chúng tôi đều nhận được nhận định: Cán bộ công đoàn là điểm tựa, là cầu nối vững chắc và uy tín giúp truyền đạt thông tin kịp thời, cấp bách về các hoạt động, chương trình của công đoàn các cấp, tạo điều kiện cho công đoàn viên nắm bắt và tham gia đúng yêu cầu tiến độ. Từ đó đạt được nhiều thành tích cá nhân và tập thể xuất sắc.

Từ năm 2018-2023, với một đề tài, 21 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, làm lợi hơn 20,6 tỷ đồng, đã giúp Đội trưởng Trương Phương, Xưởng Cơ khí, Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2018, 2021; đồng thời vinh dự nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các năm 2018, 2020, 2021.

Hay gương mặt "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc" lần thứ XI năm 2020, Lăng Văn Thượng, kỹ thuật viên Phân xưởng Chế luyện, Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng đã có hai sáng kiến, giá trị làm lợi 66 tỷ đồng.

Theo anh Hà Trầm Huy, Trưởng bộ phận Giám sát sản xuất, Công ty cổ phần TICO (Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh), một trong những cá nhân vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Câu chuyện cải tiến đối với người lao động trí tuệ không hề dễ dàng. Nó không thể nảy sinh trong một ngày đẹp trời, ngồi nhâm nhi tách cà-phê bên bàn làm việc, mà thường xuất hiện khi doanh nghiệp gặp khó khăn hay vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, dự án. Do đó, sáng kiến không tự dưng nảy nở cũng không vì những định hướng vĩ đại xuất thần, mà hình thành từ trong "cái khó ló cái khôn" trải qua quá trình làm việc và lao động hăng say. Sau tất cả, tôi hiểu rằng thành công không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân, mà còn đòi hỏi sự hỗ trợ, hợp tác từ đồng nghiệp, sự tận tâm của công đoàn và sự thấu hiểu của lãnh đạo.

Cùng chung suy nghĩ như anh Huy, kỹ sư giám sát vận hành Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Đỗ Hồng Quang chia sẻ: Tôi nhắc nhở mình "Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên", mỗi ý tưởng nhỏ đều xuất phát từ yêu cầu công việc được giao, để hôm nay tốt hơn mình ngày hôm qua. Khó khăn nhỏ, thì ý tưởng nhỏ, khó khăn lớn càng cần có ý tưởng lớn. Tôi tôn trọng từng ý tưởng nhỏ, tập hợp chuỗi các ý tưởng nhỏ sẽ tạo nên những ý tưởng, sáng kiến lớn hơn, làm lợi cho công ty nhiều hơn. Biến suy nghĩ thành hành động, năm qua, tôi là tác giả và đồng tác giả một đề tài nghiên cứu khoa học và 10 sáng kiến, giá trị làm lợi ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.

Đánh giá về vai trò của công đoàn trong việc chắp cánh các ý tưởng, cải tiến, sáng kiến, sáng tạo của đoàn viên, người lao động, anh Hà Trầm Huy cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp, công ty nào cũng sẽ có những sáng kiến, cải tiến dù lớn hay nhỏ, dù ngắn hạn hay dài hạn của người lao động. Nhưng để những đề xuất, ý tưởng đó được biết đến, rất cần những cánh tay của những cán bộ công đoàn có tâm làm cầu nối. Họ phải là những con người tận tâm, sẵn sàng phổ biến và tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động về những chương trình, phong trào thi đua sáng tạo. Từ đó, những sáng kiến, cải tiến, giải pháp hay mới được biết đến, được lan tỏa sâu rộng khắp. Nếu không có cán bộ công đoàn tận tâm, hết lòng vì người lao động, những sáng kiến hay, những cải tiến giỏi sẽ không bao giờ chạm đến được các cuộc thi, hội thi và không bao giờ được biết đến và được vinh danh.

Trò chuyện với những gương mặt xuất sắc nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, chúng tôi đều nhận được nhận định: Cán bộ công đoàn là điểm tựa, là cầu nối vững chắc và uy tín giúp truyền đạt thông tin kịp thời, cấp bách về các hoạt động, chương trình của công đoàn các cấp, tạo điều kiện cho công đoàn viên nắm bắt và tham gia đúng yêu cầu tiến độ. Từ đó đạt được nhiều thành tích cá nhân và tập thể xuất sắc.

Bên cạnh đó, để phong trào thi đua lao động sáng tạo có sức hút và lớn mạnh là nhờ vào hệ thống chuyên trách, sự quán triệt nhất quán từ cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến các công đoàn ngành, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, đến từng công đoàn cơ sở.

Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh là phần thưởng cao quý của tổ chức Công đoàn Việt Nam trao tặng, nhằm tôn vinh những công nhân, lao động tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo". Giải thưởng thành lập từ năm 2007, được trao tặng 5 năm một lần vào năm diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam.