Phóng viên: Bắc Kạn đang nỗ lực khai mở tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, trong đó chú trọng bài toán về quy hoạch để bảo đảm phát triển bền vững, không ảnh hưởng tới môi trường. Xin đồng chí cho biết, đối với vấn đề này, Bắc Kạn đã có những bước đi như thế nào?
Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Hồ Ba Bể là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, là một trong những yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo và tiêu biểu cho du lịch Bắc Kạn. Đây chính là một viên ngọc vô cùng quý giá, một “vịnh Hạ Long trên cạn” nổi tiếng của đất nước ta. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2025, khu du lịch hồ Ba Bể sẽ trở thành khu du lịch cấp quốc gia.
Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian qua, Bắc Kạn đã tập trung huy động các nguồn lực để lập các quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng như: Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; Quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch phân khu chức năng... Tất cả các quy hoạch này đều lấy Ba Bể làm trung tâm cho phát triển du lịch, bổ trợ cho việc phát huy tiềm năng của du lịch Ba Bể.
Phóng viên: Kết cấu hạ tầng là nền tảng để tạo ra sản phẩm du lịch mới. Vậy thời gian qua, Bắc Kạn đã triển khai nội dung này ra sao và thời gian tới sẽ thực hiện như thế nào?
Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối, trọng tâm là phát triển du lịch hồ Ba Bể kết nối với các trung tâm kinh tế-chính trị và các khu du lịch trong khu vực, như: như đường thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); đường Chợ Mới-thành phố Bắc Kạn; tuyến đường Quảng Khê-Khang Ninh, tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể, tuyến đường vào hồ Nặm Cắt... với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch của tỉnh như Khu du lịch hồ Ba Bể, Khu vực Đồn Đèn, hồ Nặm Cắt, thác Nà Khoang, hồ Bản Chang, ATK Chợ Đồn và các điểm du lịch cộng đồng,... với tổng mức đầu tư dự kiến sẽ gấp nhiều lần so với ngân sách bỏ ra đầu tư vào hạ tầng cơ bản. Có thể nói trong giai đoạn 2021-2025 kế cấu hạ tầng cơ bản để thu hút du lịch sẽ cơ bản hoàn thành và có cơ sở để tin rằng việc đầu tư vào du lịch, đặc biệt du lịch Ba Bể sẽ bùng nổ trong cuối giai đoạn.
Phóng viên: Quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ tỉnh là đưa hồ Ba Bể trở thành khu du lịch tầm quốc gia trong 5 năm tới và khu vực trong 10 năm tới. Vậy đâu sẽ là điểm nhấn trong hình hài khu du lịch này trong thời gian tới?
Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Năm 2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu là phấn đấu đưa khu du lịch hồ Ba Bể thành khu du lịch Quốc gia vào năm 2025, trong đó chú trọng phát triển du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững, đa dạng các sản phẩm du lịch. Từ đó hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, phong phú, độc đáo, hấp dẫn trong từng khu, điểm du lịch và trên phạm vi toàn tỉnh.
Để có được một hình hài đặc biệt trong phát triển du lịch Ba Bể, tỉnh sẽ chú trọng mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao; hình thành nhiều phân khúc giá trị và chủng loại sản phẩm du lịch phù hợp với khả năng và nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời quan tâm phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng, thực phẩm sạch các sản vật của địa phương,... để thu hút khách du lịch, tạo thu nhập bền vững cho nhân dân khu vực nông thôn.
Phóng viên: Vừa qua, tại Ba Bể đã có 2 sản phẩm du lịch homestay được tỉnh chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao là điều rất mới mẻ. Vậy trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Bể ra sao để đưa chúng trở thành sản phẩm du lịch?
Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Trong hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 của tỉnh Bắc Kạn, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể có 2 hồ sơ về du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao, đó là: Homestay Ba Bể-Green và Homestay Quỳnh Mai. Theo tôi, đây là một hướng tiếp cận mới trong việc tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của vùng hồ Ba Bể.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch hồ Ba Bể, tỉnh sẽ tập trung thực hiện bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả mô hình Nhà sàn truyền thống để phục vụ khách du lịch (phát triển dịch vụ lưu trú và ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa…).
Phóng viên: Theo chúng tôi được biết, hiện tại số lượng nhà đầu tư xin tài trợ quy hoạch, đề xuất dự án đầu tư ở khu du lịch Ba Bể đang tăng đột biến, trong đó, có những nhà đầu tư lớn đã khẳng định được vị thế. Như vậy, Bắc Kạn sẽ có cơ chế, chính sách nào để thu hút đầu tư cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, tránh tình trạng dự án “treo”?
Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Với tiềm năng sẵn có của khu du lịch hồ Ba Bể, cùng với việc đầu tư nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho khu du lịch hồ Ba Bể, cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư. Bắc Kạn đã tập trung lập quy hoạch để định hướng cho phát triển; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn.
Quan điểm của tỉnh trong việc thu hút đầu tư lĩnh vực này là: Minh bạch-Thông thoáng-Nhanh gọn. Nhà đầu tư chỉ cần một mối liên lạc thông qua cơ chế một cửa, tỉnh sẽ thể chế và thiết chế hóa từng khâu để bảo đảm cho toàn bộ trình tự phức tạp trong các dự án đều được hoạt động trơn tru nhất. Phát triển du lịch Ba Bể nói riêng và Bắc Kạn nói chung không chỉ là trách nhiệm của mỗi hệ thống chính quyền mà còn là của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân.