Khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

NDO -

Sáng 9-1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khai mạc Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 (VIIE 2021) và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư. Đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đông đảo các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các quỹ đầu tư. Sự kiện này diễn ra trong hai ngày 9 và 10-1.

VIIE 2021 là triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Triển lãm khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tiên phong, trong việc huy động các nguồn lực, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Triển lãm nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo của khu vực trong kỷ nguyên mới.

Trên địa điểm sẽ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, VIIE 2021 có hơn 150 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như Viettel, Vingroup, MoMo, CMC; các doanh nghiệp lớn trong nước như Sunshine, Hanaka; các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn như Samsung, Hyosung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens; cộng đồng startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, triển lãm còn có sự tham gia gian hàng của các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn như Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Trường đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ; khối HTX và đặc biệt là các gian hàng dành cho cộng đồng người yếu thế.

Với sự tham gia của hàng chục quỹ đầu tư và nhiều doanh nghiệp lớn, triển lãm sẽ tổ chức các hoạt động kết nối giữa startups, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn; kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối, hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt tại đây có sự xuất hiện của các HTX, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong khuôn khổ Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng.

Nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ ấn tượng sẽ được giới thiệu tại triển lãm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như Nhà máy thông minh (tay máy trợ lực hỗ trợ - tỷ trọng nâng 300kg; Robot vận chuyển hàng trong xưởng; turbine điện gió ngoài khơi); đô thị thông minh (giải pháp giám sát và phát cảnh báo sớm cho tài xế ứng dụng công nghệ AI nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; giải pháp tòa nhà thông minh; giải pháp công nghệ thông minh cho trường học; máy bay không người lái hỗ trợ tìm kiếm cứu trợ cứu nạn; camera AI; Công nghệ số (chip 5G sản xuất tại Việt Nam; giải pháp ngân hàng số, thanh toán số; trung tâm trải nghiệm số); công nghệ môi trường và nông nghiệp (giải pháp máy bay nông nghiệp) và một số giải pháp, sản phẩm sáng tạo khác phục vụ cộng đồng như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường; hệ thống thay thế chức năng giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động, robot phòng chống Covid-19.

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra năm tọa đàm với các chủ đề: Vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030; Người tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên 4.0; Chiến lược chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh; Thanh niên - động lực của đổi mới sáng tạo quốc gia. Ngoài ra, các hoạt động trình diễn, giới thiệu về giải pháp, sản phẩm, ý tưởng công nghệ đổi mới sáng tạo; ngày hội STEAM dành cho học sinh, sinh viên cũng được tổ chức.

Khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia -0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TRẦN HẢI) 

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ. Việc thành lập NIC là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc khởi công dự án xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đánh dấu nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan để tạo dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị các điều kiện để thúc đẩy hoạt động kết nối giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành, phát triển của NIC. Cơ sở của Trung tâm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm; nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới; nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc.

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của NIC, ngày 21-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Nghị định đã quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng, đất đai, mặt bằng, hạ tầng cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các cá nhân, tổ chức làm việc tại trung tâm. Với hành lang pháp lý và cơ sở vật chất đồng bộ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ là nơi hội tụ, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa vai trò, đóng góp của hoạt động đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 20 năm trở lại đây, thực tế đã chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Vì lẽ này, đổi mới sáng tạo đã trở thành “chìa khóa thành công” và một trong những “lợi khí” quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta cũng đã sớm nhận ra vai trò quyết định của đổi mới sáng tạo trong đổi mới mô hình tăng trưởng, thiết lập lập nền tảng cho tăng trưởng cao - bền vững và tạo việc làm có chất lượng. Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với tốc độ thay đổi nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, buộc chúng ta phải thích nghi và hành động mạnh mẽ.

Đề cập về tình hình đất nước, Thủ tướng cho biết, nước ta được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Năm 2020, chúng ta là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì mức tăng trưởng dương (+2,91%), nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Quan trọng nhất là uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam ngày một gia tăng trên trường quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân phong phú, khá giả hơn kể cả vùng nông thôn, miền núi và hải đảo... Những kết quả trên cho thấy một triển vọng kinh tế rất tươi sáng phía trước; niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu phát triển của Việt Nam là: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Thủ tướng chia sẻ, đây là khát vọng, là điểm tầm nhìn chung cho cả dân tộc vươn lên. Và trên con đường tới đích, vẫn còn rất nhiều chông gai, thách thức, tiềm ẩn những nguy cơ của “bẫy thu nhập trung bình’’và tụt hậu. “Ta tiến nhưng thế giới chắc chắn không chờ chúng ta. Và vì thế phải đổi mới sáng tạo, phải có khát vọng về một Việt Nam hùng cường thành hiện thực mạnh mẽ hơn”.

Khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia -0
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu, khát vọng trên chúng ta phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ, và đặc biệt là đổi mới sáng tạo, đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Đây là nền tảng quan trọng, là bệ phóng cho sắp tới.

Thời gian tới, cả nước ta, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.

Lý giải điều này, Thủ tướng cho biết, vì tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam, cả khu vực nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, mức rất thấp nhiều so mức bình quân của thế giới 2,23% GDP. Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Vì chúng ta chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, ý tưởng mới vào sản xuất, kinh doanh. Và cũng vì năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng - khoa học phục vụ cuộc sống, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Thủ tướng cảnh báo, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam, hành động thiết thực triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào thực tế, thúc đẩy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thể hiện rõ mong muốn Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực.

Thủ tướng đánh giá, VIIE 2021 được tổ chức lần đầu tiên nhưng đã quy tụ được đông đảo các thành phần (với 156 gian hàng của 113 doanh nghiệp trong nước, 22 doanh nghiệp FDI, 21 viện, trường). Chất lượng và sự phong phú của các sản phẩm sáng tạo cho thấy tiềm năng lớn của các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà sáng chế Việt Nam. “Tôi mong muốn triển lãm sẽ là sự kiện quốc tế tiêu biểu hằng năm về đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần thúc đẩy kết nối sâu rộng các chủ thể của hệ sinh thái và mở rộng các liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế”.

Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của một số bộ, ngành về việc báo cáo Thủ tướng lấy ngày 10-1 hằng năm là Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia. “Cũng trong khuôn khổ này, hôm nay chúng ta khởi công Dự án cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, với biểu tượng đại bàng cất cánh bay lên, nơi đây sẽ tạo ra những điều kiện lý tưởng về môi trường thể chế pháp luật, thử nghiệm chính sách mới, điều kiện hạ tầng, môi trường làm việc đặc biệt thuận lợi để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn mình ra thế giới”, Thủ tướng nói, đồng thời mong rằng trong thời gian tới các bộ, ngành TP Hà Nội và các đối tác quốc tế tiếp tục phối hợp hỗ trợ để phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia một số công việc. Đó là nghiên cứu đề xuất chính sách, thể chế, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin….

Thủ tướng khẳng định, việc tổ chức VIIE và khởi công NIC tiếp tục thể hiện cam kết của Chính phủ đồng hành cùng với doanh nghiệp, cá nhân đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng chúc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 thành công tốt đẹp và phát triển hơn sau mỗi năm, để góp phần đưa Việt Nam thực sự là điểm đến của đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

* Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khai mạc VIIE 2021 và khởi công NIC.