Khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến metro Bến Thành-Tham Lương

NDO - Sáng 22/6, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) tổ chức Lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành-Tham Lương.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành-Tham Lương, sáng 22/6.
Lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành-Tham Lương, sáng 22/6.

Việc khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, sẽ làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và cả không gian ngầm, để nhằm bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025.

Việc chuẩn bị một mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành-Tham Lương nhằm đưa vào khai thác vào năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tuyến tàu điện ngầm Bến Thành-Tham Lương là một trong hai Dự án đường sắt quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2 tỷ USD, tương đương khoảng 47 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, tuyến tàu điện ngầm số 2, giai đoạn 1, từ Bến Thành đến Tham Lương có tổng chiều dài khoảng 11,3km, trong đó có 9,3km đi ngầm và 2km đi trên cao, với 11 nhà ga, chạy dọc đường Cách mạng Tháng Tám và Trường Chinh, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú; cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại quận 12 với diện tích 25ha.

Công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đến nay đạt 86,69% (508/586 trường hợp đã bàn giao mặt bằng). Trong đó, 4/6 quận (quận: 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú) đạt 100%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đạt gần 87%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong công tác phối hợp Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận cũng như sự ủng hộ to lớn, quý báu của các hộ dân đã hy sinh lợi ích cá nhân để bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai thuận lợi.

Theo ông Bùi Xuân Cường, rút kinh nghiệm từ tuyến metro 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và các dự án đường sắt đô thị khác của các nước, việc bàn giao mặt bằng “sạch” cho các nhà thầu chính của tuyến metro 2 sẽ giúp thực hiện nhanh chóng công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tránh việc khiếu kiện, khiếu nại của các nhà thầu.

Trên cơ sở đó, các nhà thầu chính sau này của dự án sẽ tiếp tục tiến hành việc xây dựng các hạng mục công trình chính dự án (đào hầm TBM, nhà ga ngầm, nhà ga trên cao...) thuận lợi và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối ưu.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cam kết cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn và các bên tham gia dự án nỗ lực, chung sức, đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công tác xây dựng, di dời và tái bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 2 bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả.