Khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa và nhà máy sản xuất dây điện

NDO -

Sáng 3/3, UBND tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa. Đây là công trình chào mừng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai 5/3 (1947-2022).

Toàn cảnh khu tái định cư Cảng Hàng Không sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai)
Toàn cảnh khu tái định cư Cảng Hàng Không sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai)

Dự khởi công Cảng hàng không Sa Pa có Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện Bảo Yên và đông đảo nhân dân các dân tộc địa phương.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg, địa điểm xây dựng Cảng hàng không Sa Pa được chọn tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Tổng diện đất xây dựng của Cảng hàng không Sa Pa là 371 ha, trong đó giai đoạn 1 là 295,2 ha, giai đoạn 2 là 75,8 ha.

Khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa -0
Khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa.

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Sa Pa có công suất 3 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Sa Pa có chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; cấp sân bay là 4C (theo mã tiêụ chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Theo đó, đường băng của Cảng hàng không Sa Pa dài 3.050m, rộng 45m; có khả năng khai thác các loại máy bay như Aibus A320, A321 và tương đương trở xuống, với 9 vị trí đỗ máy bay. Cảng có nhà ga hành khách 2 cao trình, rộng 30.000 m2, nhà điều hành rộng 20.000 m2, đáp ứng công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm.

Về kết nối giao thông, quy hoạch có đường trục nối từ đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai vào Cảng hàng không Sa Pa rộng 6 làn xe. Quy hoạch sân đỗ ô-tô đồng bộ cùng nhà ga hành khách, diện tích sân đỗ khoảng 12.000 m2; có dự trữ khoảng 13.000 m2 ở phía bắc và phía nam sân đỗ để phát triển mở rộng giai đoạn sau năm 2030.

Khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa -0
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa, công suất 3 triệu khách/năm. 

Tổng mức đầu tư Cảng hàng không Sa Pa là 6.948 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.183 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.765 tỷ đồng. Tổng vốn Nhà nước 2.730 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng; nhà đầu tư huy động 4.218 tỷ đồng.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm. Dự án chia thành 2 thành phần: dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức đầu tư công; dự án xây dựng sân bay thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Sa Pa; trong việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tại Lào Cai hiện có Khu du lịch quốc gia Sa Pa đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cáp treo Fansipan, sân golf...; khu hợp tác kinh tế qua biên giới với cặp Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu quốc tế Kim Thành; khu công nghiệp Tằng Loỏng với các khu chế biến kim loại màu, phân bón… Lào Cai nằm trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng-Lào Cai, do vậy, Cảng hàng không Sa Pa đóng vai trò tương hỗ vận tải với đường sắt, đường bộ; thúc đẩy du lịch, thương mại giữa giữa các vùng trong nước và với nước ngoài; phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực Bắc Trung Bộ đến khu vực Tây Bắc; đồng thời sẽ phục vụ cứu hộ cứu nạn trong mùa lũ và bảo đảm an ninh-quốc phòng.

* Cũng trong ngày 3/3, tỉnh Lào Cai đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao, tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Đây là dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc, có 100% công nghệ và thiết bị châu Âu, Mỹ sản xuất ra dây điện và cáp điện cao thế, siêu cao thế để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Công suất thiết kế của nhà máy là 60.000 tấn sản phẩm/năm. Giai đoạn 1 hoàn thành năm 2024 sản xuất ra dây điện dân dụng và sợi đồng; giai đoạn 2 hoàn thành năm 2026, sản xuất ra dây cáp điện cao thế từ 350 đến 750 Kv. Đây là nhà máy nằm trong chuỗi chế biến sâu quặng đồng khai thác tại mỏ Sin Quyền (Lào Cai), với 17 thân quặng, có trữ lượng hơn 53 triệu tấn quặng đồng nguyên khai. 

Khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa -0
Khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất cáp điện công nghệ cao, tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát (Lào Cai).