Theo bản thuyết minh, dự án Nhà máy Điện gió phát triển miền núi của Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai có vùng hiệu suất gió 654 ha, công suất 50 MW, còn dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên của Công ty CP năng lượng gió Chư Prông Gia Lai có vùng hiệu suất gió 464 ha, công suất 50 MW.
Bà Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai cho biết: Hai dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, được triển khai trên địa bàn xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông), do liên danh Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. Dự kiến, cả hai dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm; doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tin tưởng, việc xây dựng các công trình năng lượng tái tạo phù hợp chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, chính sách đầu tư của tỉnh Gia Lai nói riêng, nhằm khai thác tiềm năng nguồn năng lượng thiên nhiên, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương cũng như tạo việc làm cho lao động tại chỗ.
Trước hai dự án Nhà máy Điện gió phát triển miền núi và dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có dự án trang trại Phong điện HBRE Chư Prông triển khai với công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng; trong đó, công suất của giai đoạn 1 là 50 MW, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I-2021.
"Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 67 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất dự kiến 4.048,4 MW; trong đó có 14 dự án vừa được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, 21 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ để đề nghị bổ sung quy hoạch", ông Võ Ngọc Thành cho biết thêm.