Khoảng trống trong hệ thống giáo dục toàn cầu

Tình trạng thiếu giáo viên đang kéo theo những tác động tiêu cực đối với hệ thống giáo dục toàn cầu. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu khoảng trống này không sớm được lấp đầy, thế giới khó có thể đạt mục tiêu xây dựng nền giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp học tại Kharkiv, Ukraine. (Ảnh REUTERS)
Một lớp học tại Kharkiv, Ukraine. (Ảnh REUTERS)

Hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt tình trạng thiếu giáo viên, kéo theo tác động tiêu cực đối với quá trình học tập của học sinh, đồng thời cản trở nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu mang đến nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người.

Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, Thụy Điển là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tình trạng nêu trên, do có thể thiếu tới 153.000 giáo viên vào năm 2035. Tình hình tại Bồ Đào Nha, Đức, Italia cũng không khả quan hơn khi nhiều vị trí giáo viên tại các trường học liên tục bị bỏ trống.

Đáng lo ngại, "cơn khát" giáo viên không chỉ diễn ra tại châu Âu, mà nhiều khu vực trên thế giới. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) dự báo, đến năm 2030, khu vực châu Phi cận Sahara cần thêm 15 triệu giáo viên. Ngoài ra, không chỉ ở các nước kém phát triển, mà tại những nước phát triển, nơi giáo viên có mức thu nhập cao thì tình trạng thiếu hụt cũng ngày càng nghiêm trọng.

Các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ cần thêm 4,8 triệu giáo viên vào năm 2030, trong khi tại Mỹ Latin và Caribe, con số này là 3,2 triệu. Theo UNESCO, nếu thực trạng đáng báo động nêu trên không sớm được giải quyết, đến năm 2030, nhiều nước trên thế giới sẽ không có đủ giáo viên để thực hiện các mục tiêu về phổ cập giáo dục.

Giới chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Chính sách đãi ngộ chưa tương xứng công việc phải gánh vác là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Ủy ban Giáo dục của Quốc hội Hàn Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy, trong 5 năm qua, đã có hơn 32.000 giáo viên ở Xứ sở Kim chi nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu. Kết quả khảo sát do Liên đoàn Các hiệp hội giáo viên Hàn Quốc mới công bố cho thấy, 86% số giáo viên ở độ tuổi 20 và 30 đã cân nhắc bỏ nghề vì không hài lòng với mức lương của mình.

Theo Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, thu nhập sau thuế trung bình của giáo viên mới là 2,31 triệu won, thấp hơn mức chi phí sinh hoạt hằng tháng cho một hộ gia đình là 2,46 triệu won. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến số giáo viên trẻ bỏ nghề ngày càng tăng.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, số sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp giảm trong khi đội ngũ giáo viên ngày càng cao tuổi cũng dẫn tới sự thiếu hụt. Ngoài ra, giáo viên trên khắp thế giới đang ngày càng phải đối mặt nhiều mối đe dọa về bạo lực thể chất hoặc tâm lý. UNESCO khẳng định, xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng và tác động tiêu cực đến nghề giáo, từ đó cản trở các nỗ lực tuyển dụng hoặc giữ chân giáo viên.

Để lấp những "khoảng trống" nhân sự ngành giáo dục, thời gian gần đây, các nước đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Mới đây, Thượng viện Mexico thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp nhằm tăng lương tối thiểu cho giáo viên. Chính phủ Anh cũng vừa công bố dự án trị giá 5,2 triệu USD để tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giáo viên lập giáo án và chấm bài tập về nhà. Chính quyền bang California của Mỹ triển khai kế hoạch xây khoảng 2,3 triệu căn nhà để hỗ trợ giáo viên ứng phó mức chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều nước áp dụng các biện pháp như tăng lương, giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, cải thiện môi trường làm việc tại các cơ sở giáo dục...

Tình trạng thiếu giáo viên được nhận định sẽ tiếp tục làm đau đầu các nhà lãnh đạo trên thế giới trong thời gian tới. Giới phân tích cho rằng, bên cạnh việc triển khai giải pháp tình thế, các nước cần sớm đánh giá đúng quy mô của tình trạng thiếu hụt nhân sự ngành giáo dục hiện nay nhằm xây dựng một kế hoạch dài hơi để giải quyết bài toán khó này.