Qua rồi thời vàng son
Những năm đầu thập niên 1960, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông - Nam Á có phim hoạt hình, với sự ra đời của phim hoạt hình đen trắng Đáng đời thằng Cáo. Một số phim có chất lượng đã đoạt giải cao trong các Liên hoan phim (LHP) quốc gia và quốc tế như Mèo con, giải Bạc tại LHP Ru-ma-ni 1966, bằng khen tại LHP Phơ-răng-phuốc (Đức) năm 1967; Chuyện Ông Gióng với giải Vàng tại LHP Lai-xích (Đức) năm 1971, bằng khen tại LHP Mát-xcơ-va 1971… Tuy nhiên, đến nay, hoạt hình Việt Nam xếp ở vị trí rất thấp trong ngành công nghiệp hoạt hình thế giới.
Mỗi năm, riêng Hãng phim Hoạt hình Việt Nam được đầu tư khoảng 10 đến 15 phim, nhưng số phim ra rạp ít ỏi. Các kênh truyền hình thì không mặn mà với phim hoạt hình Việt Nam. Quảng cáo, tiếp thị chưa được xem trọng, chưa bài bản, cho nên phim ra rạp ít được người xem chú ý.
Cần thừa nhận rằng, nội dung phim hoạt hình Việt Nam dường như vẫn đi theo lối mòn, đóng khung trong thời lượng, với những nhân vật cổ điển, đơn giản, ít đột phá như các loài động vật: khỉ, ếch, chó, mèo, gà, hay các nhân vật lịch sử được mô tả đơn thuần, thiếu cá tính. Một trong số ít phim có thời lượng đủ dài để ra rạp là Hào khí Thăng Long (60 phút), sử dụng công nghệ 3D tiên tiến, nhưng cách truyền tải theo kiểu cũ, lời thoại dài dòng, vẫn tạo cảm giác khô khan, nhàm chán, khó thu hút khán giả.
Hiện tại, lực lượng sáng tác kịch bản phim hoạt hình quá mỏng, thường là các tác giả văn học hoặc lĩnh vực khác lấn sân sang, hiếm có ai đam mê và theo đuổi dài hơi. Nỗi niềm này khiến nhiều người chỉ còn biết ngậm ngùi tiếc nhớ đội ngũ làm phim hoạt hình tài năng và tâm huyết một thời như nghệ sĩ Trương Qua, Hồ Quảng, Mạnh Lân, Mai Long, Nghiêm Dung...
Nỗi buồn phim hoạt hình Việt
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thừa nhận: Kịch bản còn thiếu, yếu là nguyên nhân dẫn đến nội dung phim ít tính giải trí, nặng tính giáo điều, cứng nhắc, xa rời thị hiếu của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng là bài toán khó, bởi để sản xuất hoàn chỉnh một bộ phim hoạt hình cần từ vài trăm triệu đồng cho đến tiền tỷ. Trong khi đó, nguy cơ bị sao chép, vi phạm bản quyền là khá cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Về công nghệ làm phim, các hãng phim đều bắt kịp xu hướng công nghệ mới, được trang bị máy móc, thiết bị đồng bộ. Thế nhưng, yếu tố mang tính quyết định thành công của một bộ phim vẫn là nội dung hay và cách thức thể hiện ấn tượng, lại là điều chúng ta đang thiếu. Đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng, người đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2012 cho phim hoạt hình xuất sắc Càng to càng nhỏ, từng chia sẻ: “Việc đào tạo nguồn nhân lực làm phim hoạt hình là khá khó, người làm phim phải có thời gian rèn luyện dài, đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhưng ngược lại thu nhập lại không cao, cho nên ít ai sẵn sàng dấn thân vào nghề”.
Trong khi hoạt hình Việt Nam vẫn gần như “giậm chân tại chỗ” thì các sản phẩm hoạt hình nước ngoài đang chinh phục cả trẻ em lẫn người lớn...
Thay đổi để tìm chỗ đứng
Giải pháp được nhiều người trong giới kỳ vọng là thực hiện cổ phần hóa, xã hội hóa, nhằm mang lại nguồn kinh phí dồi dào hơn và những chiến lược kinh doanh, sản xuất phim mới mẻ, phù hợp với nhu cầu khán giả. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam dự kiến cổ phần hóa vào cuối năm nay, đầu tư cho chùm phim dài tập thay vì phim lẻ bởi sẽ tận dụng được tạo hình, tái sử dụng được phông cảnh, tập trung xây dựng hình tượng nhân vật điển hình, thuần Việt.
Bên cạnh đó, để mở rộng nguồn kịch bản, rất cần những hoạt động cụ thể như tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác, điều tra xã hội học về tâm lý, nhu cầu của các em nhỏ. Có thể mạnh dạn chuyển thể các tác phẩm văn học sang phim hoạt hình, từ truyện cổ dân gian hay truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hoặc các bộ truyện tranh Việt đang được yêu thích…
Về phương thức phát hành, cần chủ động tìm lối đi mới, chẳng hạn như đưa lên in-tơ-nét, phổ biến trên truyền hình. Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam thông báo sẽ phát sóng bộ phim hoạt hình Hào khí ngàn năm trên kênh VTV1 bắt đầu từ tháng 10. Mỗi tập phim có thời lượng năm phút gắn với một nhân vật, một sự kiện hay một tích truyện trong lịch sử suốt từ thời Vua Hùng dựng nước. Hoạt hình Việt Nam cũng cần sự “tiếp sức” của ngành điện ảnh, với những chính sách, định hướng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các đạo diễn trẻ, các nhà làm phim tư nhân.
Phim hoạt hình Việt Nam đang để lại một khoảng trống lớn khó lấp đầy, nhưng không có nghĩa là khán giả quay lưng. Vào dịp hè, khá nhiều trường lớp, phụ huynh vẫn cho con em đến xem ở Rạp Thánh Gióng ở số 7 Trần Phú (Hà Nội), rạp chuyên chiếu phim hoạt hình Việt Nam. Trong các đợt chiếu phim lưu động tại các tỉnh, thành phố, phim hoạt hình cũng nhận được sự thích thú, quan tâm của các em nhỏ. Trước sự mong mỏi, chờ đợi của khán giả nước nhà, hoạt hình Việt Nam nâng cao chất lượng phim, tăng tính giải trí, phục vụ tốt thị trường trong nước rồi mới mong đến làm phim có lãi hay xuất khẩu phim ra nước ngoài, như các nước trong khu vực Đông - Nam Á đã làm được.
Vấn đề hoạch định đúng đường đi, thay đổi phương pháp sáng tác, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả trẻ em và cả người lớn mang tính quyết định đối với sự phát triển của phim hoạt hình. Tất nhiên thay đổi không có nghĩa là tìm kiếm, học tập, bắt chước cách làm phim hoạt hình của nước ngoài mà là tạo ra một hướng đi riêng, một phong cách làm phim giàu tính sáng tạo để có được những tác phẩm điện ảnh hoạt hình độc đáo, phù hợp nhu cầu, khả năng tiếp nhận của khán giả.
(Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần)