Rộng cửa việc làm sau tốt nghiệp
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 88.660 học sinh, sinh viên. Trong đó, có 28.427 em theo học hệ đào tạo nghề cao đẳng, trung cấp, số còn lại tham gia các khóa đào tạo nghề sơ cấp.
Tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 1.074 cán bộ, giáo viên tham gia quản lý, giảng dạy tại 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo khảo sát của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, hơn 75 % học sinh sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã tìm được việc làm ngay. Cá biệt có những nghề như: cơ điện tử, điện công nghiệp, tự động hóa…100% học sinh đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập cao.
Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên các trường nghề, Tiến sĩ Cao Thành Lê, Hiệu trường Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Đức cho biết, sinh viên các trường nghề ngay khi đi thực tập đã được các doanh nghiệp trả lương từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng.
Đối với các ngành nghề được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, sinh viên ra trường có thể có thu nhập từ 13 đến 19 triệu đồng/tháng và được các doanh nghiệp “săn đón” ngay khi vừa tốt nghiệp.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở trong nước, những lao động có trình độ, tay nghề cao sẽ rất dễ dàng tìm kiếm được công việc phù hợp, thu nhập cao tại quê hương mà không phải tha phương ở những thành phố lớn.
Số liệu thống kê từ cơ quan chuyên môn cho thấy, tại thời điểm này, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động. Đến năm 2023, nhu cầu đó sẽ là 10.000 người.
Với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng đến 10,5 triệu đồng/tháng, thị trường lao động Hà Tĩnh đang tạo ra sức hút đối với người lao động, đặc biệt là lao động có trình độ, tay nghề cao. Xu hướng phát triển này mở ra cánh cửa lớn thu hút lực lượng lao động địa phương và những người Hà Tĩnh đang làm việc ở các tỉnh khác trở về tiếp cận cơ hội việc làm ổn định, lâu dài.
Trăn trở với khuyến nghề
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, mặc dù “đầu ra” của các trường nghề được bảo đảm, song do nhận thức về việc học nghề, dạy nghề còn hạn chế nên “sức hút” của việc học nghề chưa tương xứng với nhu cầu. Cùng với đó, đa phần học sinh, sinh viên các trường nghề có hoàn cảnh khá khó khăn, không ít em phải bỏ học giữa chừng hoặc bị chi phối bởi điều kiện kinh tế của gia đình nên chưa toàn tâm, toàn ý rèn dũa kỹ năng nghề nghiệp.
Để khích lệ, động viên tinh thần học tập của các em, nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên, học sinh quyên góp hỗ trợ, tiếp sức để các em không bỏ học giữa chừng với mức hỗ trợ khiêm tốn.
“Thời gian qua chúng tôi đã chủ động liên hệ, phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức triển khai một số mô hình đào tạo liên kết, trong đó doanh nghiệp cam kết hỗ trợ học phí toàn khóa và việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, số học sinh, sinh viên được tiếp cận loại hình đào tạo này còn ít”. Phó Phòng Đào tạo, trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết thêm.
Khi biết tỉnh Hà Tĩnh rốt ráo thành lập quỹ học bổng hỗ trợ cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục giấc mơ giảng đường đại học, nhất là đã có hàng chục đơn vị, nhà hảo tâm cam kết hỗ trợ trọn gói các tân sinh viên với số tiền gần 18 tỷ đồng, không ít phụ huynh, giáo viên mong muốn, giá như tỉnh có thêm quỹ khuyến nghề để khích lệ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường nghề yên tâm học hành, phấn đấu sớm trở thành người thợ giỏi.
Đem mong muốn này trao đổi với Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh, được biết, hiện nay các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã xây dựng được rất nhiều quỹ khuyến học, khuyến tài. Riêng Hội Khuyến học tỉnh đang tham gia quản lý, điều hành 3 quỹ khuyến học. Đó là: Quỹ khuyến học khuyến tài Nguyễn Du, Quỹ khuyến học đất Hồng Lam, Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học, với số dư gần 18 tỷ đồng.
Năm học này, lần đầu tiên Hội khuyến học tỉnh đã trích 100 triệu đồng hỗ trợ các trường nghề động viên các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt.
“Có những thời điểm công tác khuyến nghề chưa được các địa phương, đơn vị chú trọng, quan tâm đúng mức, có không ít địa phương, đơn vị mới chỉ quan tâm đến việc trao thưởng cho học sinh, sinh viên học giỏi, chưa chú trọng đến các em học nghề có thành tích tốt”. Ông Đoàn Đình Anh trăn trở.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập của Chính phủ, thời gian tới, các cấp hội khuyến học sẽ tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến nghề để tất cả người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có tay nghề.
Từ thực tế công tác dạy nghề và khuyến nghề trên địa bàn Hà Tĩnh, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là huy động doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia sâu vào hoạt động dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng, dành sự quan tâm thỏa đáng cho công tác khuyến nghề. Coi việc khen thưởng, động viên, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó, có thành tích học tập tốt tại các trường dạy nghề bình đẳng như các học sinh đang học tập tại các cấp học, loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục của Nhà nước hiện nay, để học nghề không còn là sự lựa chọn thứ hai của các em.