Khó phát hiện biến thể "Omicron tàng hình" thông qua các phương pháp xét nghiệm hiện nay

NDO -

Biến thể "tàng hình" của Omicron rất khó phát hiện vì không phải lúc nào cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm gene mục tiêu để nhận diện Omicron và các biến thể khác trước đó.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại 1 phòng khám ở Nairobi, Kenya, ngày 19/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại 1 phòng khám ở Nairobi, Kenya, ngày 19/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Ngày 3/2, Tiến sĩ Nicksy Gumede-Moainsti, nhà khoa học tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2), được gọi là “Omicron tàng hình”, đã xuất hiện tại 5 quốc gia châu Phi.

Bà đồng thời bày tỏ lo ngại việc các phương pháp xét nghiệm hiện nay có thể sẽ không phát hiện được BA.2.

Phát biểu tại 1 cuộc họp báo trực tuyến, Tiến sĩ Gumede-Moainsti nêu rõ, BA.2 đã được báo cáo ở 5 nước châu Phi gồm Botswana, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi.

Bà cho biết biến thể "tàng hình" này của Omicron rất khó phát hiện vì không phải lúc nào cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm gene mục tiêu được phát triển để nhận diện biến thể Omicron và các biến thể khác trước đó.

Hiện WHO đang nỗ lực phối hợp với các phòng thí nghiệm để phân tích thêm các mẫu được xác định không phải là biến thể Omicron, nhằm hiểu sâu hơn về sự lây truyền của BA.2.

Biến thể phụ BA.2 đã bắt đầu thay thế biến thể ban đầu của Omicron (BA.1) trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước, trong đó có Đan Mạch. Dữ liệu tại Đan Mạch cho thấy, không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh của 2 biến thể phụ này.

Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, BA.2 có khả năng lây lan gấp 1,5 lần so với phiên bản BA.1. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ này có thể dễ dàng tránh được sự bảo vệ của vaccine.

Trước đó, trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần công bố ngày 1/2, WHO thông báo BA.2 đã xuất hiện tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3.

Trong đó, số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene.

Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2, phiên bản "tàng hình" của Omicron, đang gia tăng nhanh chóng do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR.

* Cùng ngày, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, sau 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến dịch bệnh hiện nay ở châu Âu đang mở ra hy vọng về 1 giai đoạn lắng dịu trong 1 thời gian dài, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông lạnh giá sắp kết thúc. Giai đoạn này có thể được coi như một "lệnh ngừng bắn" mang lại một sự yên ổn về lâu dài cho khu vực.

Khó phát hiện biến thể
Xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 1 trung tâm tiêm chủng ở Munich, Đức, ngày 27/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Ông Kluge cũng cho rằng, Lục địa Già sẽ ứng phó tốt hơn với nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, kể cả với những biến thể có khả năng lây truyền nhanh hơn biến thể Omicron, mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, quan chức WHO cảnh báo viễn cảnh tươi sáng nêu trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tăng cường theo dõi, phát hiện các biến thể mới. Ông đồng thời kêu gọi giới chức y tế các nước tăng cường bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương trước dịch Covid-19.

Với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca mắc mới Covid-19 đang tăng mạnh ở khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia Âu theo phân cấp của WHO, trong đó có một số nước Trung Á.

Theo WHO, tuần trước, khu vực này ghi nhận hơn 12 triệu ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.