Khi trí thức trẻ về vùng sâu, vùng xa

Hơn mười năm thực hiện Quyết định số 70/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) ngày càng vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5-6%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên dân tộc Ra Glai huyện Bác Ái được đội viên trí thức trẻ hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới.
Thanh niên dân tộc Ra Glai huyện Bác Ái được đội viên trí thức trẻ hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới.

Trong số 82 đội viên trí thức trẻ được đưa về công tác tại Bác Ái theo các Ðề án 30a cùng dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã và Ðề án 500 trí thức trẻ của Chính phủ, có tám đội viên được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã; chín đội viên tăng cường về các xã, số đội viên còn lại làm việc tại các tổ công tác ở các xã.

Tuổi trẻ sáng tạo, cống hiến

Theo Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương, các trí thức trẻ được giao nhiệm vụ đúng với năng lực nên phát huy tốt vai trò xung kích, có nhiều đóng góp trong lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án tại các xã. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các đội viên không ngừng sáng tạo và hướng dẫn đồng bào Ra Glai chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Năm 2009, anh Nại Thành An ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký công tác tại huyện Bác Ái và được bố trí làm cán bộ nông nghiệp tại xã Phước Thành theo "Ðề án 30a của Chính phủ". Hơn mười năm, anh đã giúp đồng bào Ra Glai nơi đây sản xuất, chăn nuôi ngày càng hiệu quả, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Ông Mang Bích (thôn Ðá Ba Cái, xã Phước Thành) chia sẻ: "Trước đây, bà con chỉ biết trồng cây đậu, cây ngô. Do canh tác lạc hậu nên thường bị mất mùa. Nhờ có anh Nại Thành An hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình tôi trồng 3 ha bưởi da xanh, sầu riêng… và nuôi 12 con bò sinh sản, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng, nay đã khấm khá nhiều".

Còn chị Tạ Yên Thị Lâm Hội, sinh năm 1989, là đội viên nhỏ tuổi nhất tham gia "Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của Chính phủ" vào năm 2012 tại xã Phước Thắng. Chị đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân nơi đây về phong tục, tập quán sản xuất, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa…, Năm 2017, dự án kết thúc, chị được bố trí làm Bí thư Ðoàn xã Phước Thắng, nhiệm kỳ 2017-2022 và hiện tại giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh Ðoàn Ninh Thuận lần thứ 7, nhiệm kỳ 2022-2027.

Năm 2010, anh Mã Thành Nhã, sinh năm 1989, ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật tại Ninh Thuận và nộp hồ sơ ứng tuyển công tác tại huyện Bác Ái theo Nghị quyết 30a, được tuyển dụng vào làm việc tại xã Phước Bình. Ði làm xa nhà hơn 85 km, nhưng với nhiệt tình cống hiến, anh được cấp ủy, chính quyền và đồng bào tin yêu. Năm 2017, anh Nhã được bố trí vào chức danh công chức Văn phòng-Thống kê; đồng thời, được cử đi học lớp trung cấp lý luận-chính trị; giới thiệu kết nạp Ðảng và học chương trình liên thông lên đại học.

Anh Nhã tâm sự: "Ðội ngũ trí thức trẻ biết ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tích cực trong thay đổi bộ mặt nông thôn của một xã miền núi từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Hiện, quả bưởi da xanh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ; sầu riêng, chuối hột mồ côi… là những cây trồng đem lại thu nhập cao cho đồng bào Ra Glai, thu nhập bình quân đầu người khoảng 25 triệu đồng/người/năm".

Ðến nay, các dự án trồng mì cao sản; mô hình đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả do đội viên Nguyễn Thị Bích Triều tham gia Ðề án 500 trí thức trẻ của Chính phủ tại xã Phước Tân đề xuất được triển khai đã giúp hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Ra Glai nơi đây chuyển đổi cây trồng, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt... nâng cao năng suất, đem lại thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo.

Các trí thức trẻ như Phạm Thị Thanh Ngân, La Công Minh, Lưu Văn Ngang, Nguyễn Thị Bích Triều... đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực mang tính đột phá. Họ đã đạt nhiều thành tích trong vận động người dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về vệ sinh, môi trường, y tế cộng đồng; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thành tích ấy đã được Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị tổng kết Ðề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013-2020.

Cần có chính sách phù hợp

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận Trần Hải: Thực tế cho thấy, các đội viên được tuyển chọn thể hiện rõ tính sáng tạo cùng với khát vọng cống hiến, đã thích nghi nhanh với công việc, góp phần khắc phục những yếu kém của cơ sở, giúp nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào cũng như xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới tại các xã. Ðã có kinh nghiệm thực tiễn, các đội viên sẽ là nguồn nhân lực tốt để bố trí vào đội ngũ công chức, viên chức các cấp.

Ðến nay, các cơ quan, địa phương đã bố trí công tác đối với 8/8 trí thức trẻ theo "Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã"; trong đó, một trí thức trẻ được bố trí làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn, ba đội viên tiếp tục được bố trí Phó Chủ tịch UBND xã và bốn đội viên được bố trí làm cán bộ, công chức cấp xã. Tỉnh đã bố trí 5/8 đội viên theo "Ðề án 500 trí thức trẻ" vào công chức cấp xã, huyện và tỉnh, còn lại ba đội viên đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và sẽ sắp xếp, bố trí công tác phù hợp trong thời gian tới. Có 31 đội viên tăng cường về các Tổ công tác 30a tại các xã thuộc huyện Bác Ái đã được tuyển dụng vào công chức, viên chức,…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các đề án, dự án có một số hạn chế, nhất là việc đưa đội viên vào biên chế. Hiện, các cơ quan, địa phương đang trong giai đoạn tiếp tục thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo lộ trình Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, việc bố trí vào biên chế cán bộ, công chức, viên chức đối với trí thức trẻ sau khi kết thúc đề án có phần khó khăn do không bảo đảm biên chế để thực hiện. Công tác đào tạo nâng cao trình độ cho các đội viên cũng hạn chế do họ không thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách như công chức, viên chức.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Ninh Thuận, thời gian tới, cần tiếp tục ban hành chế độ, chính sách đặc thù hoặc kéo dài thời gian hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định số 76/2019/NÐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức, đội viên trí thức trẻ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ này. Lãnh đạo Sở cũng cho rằng, cần tiếp tục có chủ trương thực hiện chính sách thu hút, tăng cường đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại các xã; có định hướng để các đội viên yên tâm công tác, bảo đảm các đội viên được đánh giá hằng năm từ mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều được sắp xếp, bố trí việc làm khi kết thúc chương trình; bổ sung quy định các đội viên trí thức trẻ tại huyện 30a có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên được xem xét tiếp nhận vào làm công chức, viên chức (kể cả tiếp nhận vào làm công chức cấp xã) để tạo nguồn cán bộ kế cận cho địa phương.

Ðội ngũ cán bộ trẻ chung nguyện vọng các cấp có thẩm quyền sớm ban hành các quy định, chính sách phù hợp khác để khi đề án kết thúc, các cấp, các ngành, địa phương thuộc tỉnh có cơ sở, điều kiện để xem xét cho các đội viên được tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển vào biên chế theo nhu cầu, đặc biệt là chính sách phù hợp khi bố trí công tác tại các vùng sâu, vùng xa. Ðiều đó, sẽ góp phần thiết thực trong việc tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh vừa có trình độ, vừa có kinh nghiệm thực tiễn ngay sau khi được tuyển dụng để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh và bền vững tại các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa và góp phần hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu đã đề ra.