Buổi giao lưu, gặp gỡ của các đại biểu trong phong trào "Ba đảm đang" của cả nước tại huyện Ðan Phượng (Hà Nội) diễn ra thật xúc động. Những câu chuyện kể thân tình, sôi nổi, gợi lại không khí hào hùng. Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc. Thi đua cùng cả nước, tháng 3-1965, Hội nghị BCH Hội LHPN huyện Ðan Phượng đã gửi thư lên BCH Ðảng bộ Hà Ðông lúc đó hứa sẽ quyết tâm vận động phụ nữ trong huyện thực hiện tốt ba nhiệm vụ: Gánh vác thêm phần việc của chồng, con, anh em và động viên chồng, con, anh em lên đường đi chiến đấu; đảm nhiệm và hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất, công tác ở địa phương để nam giới yên tâm ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày không còn một tên giặc; sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở địa phương khi cần thiết. Những quyết tâm đó đã được phát động thành phong trào "Ba đảm nhiệm" và triển khai rộng trong cả nước bởi không chỉ đáp ứng kịp thời tình hình và nhiệm vụ mới mà còn phù hợp với truyền thống đấu tranh anh hùng, đức tính tự cường, tự lập của phụ nữ nước ta. Từ đó, phụ nữ Ðan Phượng được nhân dân cả nước biết đến với tên gọi "Quê hương người gái đảm", và trở thành nơi khởi nguồn của phong trào "Ba đảm đang".
Chị Nguyễn Thị A, Chủ tịch Hội LHPN xã Song Phượng (huyện Ðan Phượng) bồi hồi nhớ lại những cảm xúc như vẫn còn tươi mới: Năm 1965, ở quê tôi lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, trên cánh đồng của Song Phượng chỉ thấy bóng dáng của người phụ nữ. Giặc Mỹ ngày càng leo thang đánh phá ác liệt, người phụ nữ nơi đây vừa đảm nhận những công việc từ cày bừa đến cấy nhanh, cấy đúng kỹ thuật, làm thủy lợi vừa khoác súng trên lưng sẵn sàng đánh giặc. Thời ấy, chủ tịch xã là phụ nữ, đội khoa học kỹ thuật toàn là phụ nữ, trên trận địa trực chiến thì hai phần ba quân số là phụ nữ. Phụ nữ hăng hái tay cày, tay súng, đi gặt cả ban đêm dưới ánh trăng. Năng suất lúa đạt tới 7 tấn/ha, cao nhất nước. Phụ nữ xã Song Phượng đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào Ba đảm đang...
45 năm qua, tinh thần phụ nữ ba đảm đang vẫn luôn được phát huy dưới nhiều hình thức mới. Hiện nay, tổng số hội viên hội phụ nữ trong toàn huyện là 20.347, trong đó hội viên nòng cốt là 2.917. Hội LHPN huyện với đội ngũ nòng cốt ấy luôn chủ động xây dựng các kế hoạch thi đua và phát động phong trào thi đua tới các cấp hội, chi hội trực thuộc với những chỉ tiêu cụ thể, những phần việc thi đua thiết thực như: Ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thương", hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phụ nữ khó khăn, tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật... Ðồng thời, gắn việc tổ chức phong trào thi đua với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong những nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra, hội đặt lên hàng đầu việc phải nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xây dựng người phụ nữ có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Cùng với đó, hội đã chú trọng nâng cao hiệu quả hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng. Năm vừa qua, hội cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành giải ngân vốn vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường cho 137 hội viên vay với tổng số vốn 1,37 tỷ đồng. Hội cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ chị em vay vốn phát triển kinh tế. Cụ thể là đã giúp 3.746 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, 1.291 hộ vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT, được các ngân hàng đánh giá cao về hiệu quả sử dụng vốn. Ngoài ra, còn có 543 tổ phụ nữ tự nguyện tiết kiệm với 17.483 thành viên tham gia, tổng số vốn là 1.766.500.000 đồng. 100% hộ nghèo, cận nghèo đều đã được giúp đỡ, hỗ trợ thông qua những biện pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ. Công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc được triển khai khá sôi nổi như: tổ chức các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản ở 16/16 xã, thị trấn; phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người già, trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; thành lập các CLB phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, CLB sức khỏe sinh sản, CLB doanh nghiệp nữ...
Năm 2010 có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Hà Nội. Chủ tịch Hội LHPN huyện Ðan Phượng Phạm Thị Vượng cho biết: Tự hào là những công dân Thủ đô, các cấp hội tập trung tuyên truyền, giáo dục tới chị em phụ nữ truyền thống lịch sử Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và tổ chức các hoạt động chào mừng Ðại lễ. Ðể đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, chúng tôi sẽ nhân rộng những mô hình "Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và xây dựng "Người Hà Nội văn minh - thanh lịch". Các cấp hội tăng cường thực hiện ba đề án "Dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ theo hướng phát triển dịch vụ gia đình", "Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội", "Ðào tạo cán bộ chủ chốt hội phụ nữ cơ sở đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ". Hội LHPN huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng quản lý và sinh hoạt hội viên, nhân rộng mô hình tập hợp thu hút hội viên, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong xây dựng, phản biện xã hội và giám sát các vấn đề luật pháp, chính sách liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em.
KỶ niệm 45 năm phong trào "Ba đảm đang" cũng là dịp Hội LHPN huyện Ðan Phượng phát động đợt thi đua đặc biệt năm 2010 với mục tiêu phấn đấu mỗi hội viên một việc làm tốt, mỗi cơ sở có một công trình, phần việc hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phát triển những mô hình, điển hình "làm theo" có hiệu quả như tiết kiệm nuôi lợn nhựa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nữ CNVC. Các cấp hội tiếp tục khai thác, quản lý tốt các nguồn vốn cho vay và tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ điều kiện sản xuất... để giúp phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững. Trong năm nay hội sẽ tổ chức thực hiện 136 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện nhằm hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường phố và nơi công cộng"...
Vẫn còn đó và sẽ sống mãi tinh thần "Ba đảm đang", phụ nữ huyện Ðan Phượng quyết tâm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khởi động những phong trào thi đua hiệu quả, việc làm thiết thực vì sự tiến bộ của phụ nữ, sự phát triển của Thủ đô.