Khi “thầy lang” chữa bệnh cho vật nuôi

NDO -

Thiếu thông tin, kiến thức phòng ngừa dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã gõ cửa “thầy lang” với hy vọng tìm được phương thuốc “bí truyền” để chữa bệnh cho vật nuôi. Những bất cập, yếu kém của mạng lưới thú y cơ sở được nhận diện rõ ràng trong bối cảnh dịch viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò bùng phát ra diện rộng. 

Tin nhầm “thầy lang” gia đình chị Lê Thị Giang ở xã Xuân Lộc (Can Lộc) phải tiêu hủy “cơ nghiệp” sau một thời gian chữa trị.
Tin nhầm “thầy lang” gia đình chị Lê Thị Giang ở xã Xuân Lộc (Can Lộc) phải tiêu hủy “cơ nghiệp” sau một thời gian chữa trị.

“Cơ nghiệp” nhà nông ra đi do dùng nhầm thuốc

Xuất hiện ban đầu tại một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Lộc Hà, sau gần ba tháng, dịch VDNC ở trâu, bò đã lan rộng ra 120 xã của 11/13 huyện thị trên địa bàn Hà Tĩnh, với gần 4.000 con trâu, bò bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: thiếu vaccine, chưa có phác đồ điều trị đầy đủ, thời tiết bất lợi… thì những hạn chế trong khâu phòng ngừa, điều trị là tác nhân chính, tạo điều kiện thuận lợi để dịch VDNC ở trâu, bò dễ dàng lan ra diện rộng.

Theo chị Lê Thị Giang ở xã Xuân Lộc (Can Lộc) khi vật nuôi của gia đình xuất hiện triệu chứng ốm, bỏ ăn và sốt, chị Giang đã tìm đến một “thầy lang” trong vùng để bốc thuốc nam về chữa bệnh cho vật nuôi. Mãi đến khi các triệu chứng phát bệnh của vật nuôi không thuyên giảm chị mới tìm đến cán bộ thú y xã và được xác định là nhiễm bệnh VDNC. Do bị kiệt sức trong thời gian dài nên con bò cái được nuôi suốt ba năm nay bị chết và phải đem đi tiêu hủy.

Không riêng gì chị Giang, đến khi “cơ nghiệp” của nhà nông không còn, nhiều hộ gia đình ở Hà Tĩnh mới biết mình đã tin nhầm “thầy lang”. Theo chia sẻ của cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trang các dân chậm báo cáo thông tin trâu, bò bị ốm, có dấu hiệu nhiễm bệnh. Không thực hiện theo hướng dẫn từ cơ quan thú y mà tự ý chữa trị cho gia súc nên dịch bệnh tiếp tục xâm nhiễm rộng tại địa phương, gây khó khăn cho quá trình chữa trị của chuyên môn.

“Cực chẳng đã”, chính quyền địa phương phải mời “thầy lang” đến làm việc, yêu cầu viết cam kết không bốc thuốc chữa trị cho gia súc bị dịch VDNC.

Được biết, tình trạng người dân tự mua thuốc thú y không có hướng dẫn hoặc theo thông tin từ người khác “mách nước” tìm đến “thầy lang” không chỉ diễn ra ở Can Lộc mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, qua quá trình bám nắm và theo dõi nguồn tin từ cơ sở, ngày 19-3-2021 đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với ông Bùi Văn Phương (xã Thạch Thắng, Thạch Hà) do không có chứng chỉ hành nghề thú y, không hiểu rõ chuyên môn về dịch bệnh viêm da nổi cục mà vẫn tham gia trực tiếp điều trị cho nhiều trâu, bò bị nhiễm bệnh ở nhiều địa phương như: Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà ... Thậm chí, người này còn dùng mạng xã hội để quảng bá cách chữa trị bệnh VDNC với người dân, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành chuyên môn.

Hai phần ba cán bộ thú y cấp xã không có chuyên môn.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, ngoài dịch VDNC trên trâu bò, hiện nay dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn cũng có nhiều dấu hiệu phức tạp. Mặc dù ngành chuyên môn đã khuyến cáo và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên kết quả đạt được chưa được như mong muốn. Ngoài những lý do khách quan, những yếu kém nội tại của mạng lưới thú y cơ sở ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Tại Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã nên phần lớn nhân viên Thú y cấp xã được bố trí trước đây phải nghỉ việc, thay vào đó chức danh này được cán bộ phụ trách đoàn thể kiêm nhiệm, hầu hết không có chuyên môn Chăn nuôi Thú y, cụ thể: có 88/216 cấp xã có bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn là Trung cấp Chăn nuôi - Thú y; 128 cấp xã còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm, không có bằng cấp chuyên môn về Chăn nuôi Thú y.

Chị Trần Thị Liệu, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ kiêm cán bộ thú y xã Mỹ Lộc (Can Lộc) chia sẻ: Dù rất cố gắng song vì không được đào tạo chuyên sâu nên quá trình thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực chăn nuôi chỉ dừng lại ở việc phổ biến văn bản của cấp trên và tham mưu cho UBND xã khung thời gian thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, công việc của hội Phụ nữ cũng khá nhiều nên mỗi khi có chiến dịch tiêm phòng hay hoặc xuất hiện dịch bệnh chúng tôi phải nhờ cán bộ thú y từ các xã khác về trợ giúp.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch hội Phụ nữ kiêm cán bộ thú y xã Gia Hanh (Can Lộc) cho rằng, công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là cúm gia cầm nếu không am hiểu chuyên môn rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, theo chia sẻ của chị Trần Thị Hằng Nga, cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, do không có chức danh nhân viên thú y cấp xã nên mỗi khi thực hiện các chiến dịch tiêm phòng các địa phương phải thuê những người có chứng chỉ hành nghề để bảo đảm tiến độ, tuy vậy vì không có cơ chế phụ cấp để ràng buộc họ nên khi xảy ra dịch bệnh, các đối tượng này tỏ ra dè dặt, không mặn mà trước yêu cầu hỗ trợ của các địa phương.

Ngoài những hạn chế nêu trên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Tĩnh, Trần Hùng, sau khi sáp nhập các trạm thú y cấp huyện vào các trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi đã phát sinh những khó khăn trong áp dụng và thực hiện các quy định, nhiệm vụ theo Luật và Nghị định, Thông tư bởi hệ thống ngành không phù hợp với các văn bản quy định. Công tác quản lý nhà nước về thú y gồm nhiều hoạt động chuyên môn, đặc thù có tính thường xuyên và đột xuất, trong khi chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi bao gồm nhiều lĩnh vực, hoạt động với các chuyên ngành khác nhau, nhiệm vụ chính là các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ nên sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ hiệu quả không cao. Việc bố trí viên chức chưa cân đối giữa các chuyên ngành trong Trung tâm dẫn đến việc cán bộ có trình độ chuyên môn chăn nuôi, thú y tại các Trung tâm thiếu, chưa bảo đảm cho công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Theo đa phần ý kiến của người trong cuộc, Hà Tĩnh là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn, trong khi đó, phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, manh mún đang chiếm tỷ lệ lớn, thành ra sức đề kháng của ngành chăn nuôi rất hạn chế, dễ bị tổn thương trước các mầm dịch bệnh. Vì vậy, địa phương cần nhìn nhận thấu đáo thực trạng mạng lưới nhân viên thú y cơ sở, kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Nhà nước về nhiệm vụ phát triển Chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.